Võ sĩ sumo trăn trở với nghề

Ánh nắng bình minh tỏa khắp thành phố Tokyo (Nhật Bản). Sáu người đàn ông cởi trần đóng khố đang đứng trên cát và liên tục giậm chân. Những bắp đùi to như thân cây giơ lên, ngừng lại giây lát rồi đập mạnh xuống cát. Búi tóc trên đầu họ rung lên. Họ là những võ sĩ sumo Nhật Bản.


Võ sư Tadahiro Otake (ngồi) quan sắt các võ sĩ sumo luyện tập.


Trông bài tập có vẻ đơn điệu nhưng không ai nói rằng con đường trở thành một võ sĩ sumo lại đơn giản. Võ sumo đã có hàng trăm năm tuổi ở Nhật Bản.


"Đổi bên nào! Đừng chuyển động hông quá nhanh!" - huấn luyện viên là một võ sĩ đã nghỉ hưu hét to. Động tác mà ông đang dạy 6 người đàn ông được gọi là shiko - một động tác nhằm tăng cường sức mạnh cho phần dưới cơ thể. Họ tập động tác này chừng nửa tiếng trên nền đất sét phủ cát trong phòng tập.


Cao trào của ba giờ tập luyện sẽ là màn đấu vật giữa hai võ sĩ, trong đó người này cố gắng đẩy người kia ra khỏi vòng tròn thi đấu. Họ vật nhau dưới sự giám sát của võ sư chủ võ đường Tadahiro Otake - người đang ngồi khoanh chân trước một bàn thờ nhỏ trong võ đường Taiho. Đó là hoạt động của một trong 43 võ đường sumo chuyên nghiệp ở Nhật Bản.


Một võ sĩ tên Genkaiho nghỉ giải lao.


Huấn luyện viên Masataka Yuho cho biết, môn võ sumo hầu như không thay đổi trong suốt 40 năm ông gia nhập võ đường, ngay cả khi võ đường vật lộn sau những vụ bê bối trong mấy năm gần đây.


Phần lớn trong số 610 võ sĩ thuộc Hiệp hội Sumo Nhật Bản đều sinh sống trong các võ đường như Taiho. Họ sống, ăn và ngủ cùng nhau và hầu như không có không gian riêng tư. Chỉ có khoảng 70 võ sĩ giỏi nhất mới được phép sống tự lập.


Ở Nhật Bản, tỷ lệ sinh giảm và các môn thể thao phổ biến khác đã khiến các võ đường ngày càng khó tuyển võ sĩ. Hầu như không có mấy thanh niên Nhật Bản muốn sống trong điều kiện thiếu thốn suốt cả cuộc đời với khoản tiền 1.600 USD/tháng.


Abdelrahman Ahmed Shaalan người Ai Cập, một trong 8 võ sĩ giỏi nhất của võ đường Taiho, tâm sự: "Cuộc sống của một võ sĩ sumo khó khăn mọi bề. Niềm vui duy nhất mà tôi có là cảm giác rằng tôi sắp đến gần giấc mở trở thành một yokozuna (đẳng cấp cao nhất của sumo)". Shaalan là võ sĩ sumo chuyên nghiệp đầu tiên đến từ thế giới Arập và châu Phi. Võ sĩ 21 tuổi này chỉ thua 5 trong tổng số 35 trận đấu kể từ khi ra mắt hồi tháng 3/2012.


Võ sĩ Shaalan người Ai Cập (phải) và võ sĩ Genkaiho thi đấu.


Võ sư Otake ví cuộc đời của một võ sĩ sumo là một cuộc sống khổ hạnh. Các hoạt động của một võ sĩ sumo thường diễn ra rất đều đặn. Sau khi luyện tập vào buổi sáng, họ tắm và ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày. Bao giờ võ sĩ trẻ cũng phải chờ các võ sĩ lớn tuổi hơn. Sau bữa trưa, nếu không phải phiên mình nấu ăn, dọn dẹp, các võ sĩ được phép ngủ trưa.


Cách đây vài năm, võ đường Taiho đã xảy ra nhiều vụ bê bối, trong đó một võ sĩ người Nga phải từ bỏ môn võ này trong tủi hổ vì sử dụng ma túy năm 2008. Hai năm sau, người khi đó là chủ võ đường đã bị cách chức vì dính vào một vụ bê bối lớn liên quan đến cá cược bất hợp pháp.


Hai võ sĩ ăn sáng với thợ làm tóc (giữa) ở võ đường Taiho. Ảnh: AFP/TTXVN


Sau khi trở thành chủ võ đường Taiho, ông Otake đã phải đi khắp nơi để xin lỗi về những sai lầm của võ đường trong quá khứ. Ông biết rằng mình đang soi đuốc cho một môn thể thao mà một số người cho rằng đang mất phương hướng.


Tuy nhiên, ông vẫn tin sumo có sức mạnh để vượt qua khó khăn vì sumo không chỉ là một môn thể thao mà còn là một lối sống. Ông nói: "Các võ sĩ thường chỉ luyện tập để khỏe mạnh nhưng tôi bảo với họ rằng phải luyện tập để trở thành tấm gương cho mọi người nữa".



Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN