Vì sao người Hàn Quốc không cảm thấy hạnh phúc?

Hàn Quốc đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD/tháng và trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới, song người dân nước này còn xa mới chạm tới hạnh phúc và sự thỏa mãn với các tiêu chí cuộc sống.

Theo thăm dò của Viện Gallup, tỷ lệ người Hàn Quốc hài lòng với cuộc sống của họ đã giảm 10% trong giai đoạn từ 1992-2010, trong khi GDP bình quân đầu người lại tăng gấp 3 lần trong cùng giai đoạn đó. Mặc dù kinh tế tăng trưởng hết sức ngoạn mục song quốc gia Đông Bắc Á này vẫn tiếp tục đứng hàng đáy trong nhiều chỉ tiêu về hạnh phúc trên toàn thế giới.

Một cuộc thăm dò dư luận do nhật báo Chosun liên kết với Viện Gallup và Tầm nhìn toàn cầu tiến hành mới đây tại 10 quốc gia, gồm Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Inđônêxia, Malaixia, Việt Nam, Canađa, Mỹ, Braxin, Đan Mạch và Phần Lan, cho thấy người Hàn Quốc tiếp tục mệt mỏi trong khát khao làm giàu và mối lo bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Vì lý do này mà Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ cao nhất muốn được di chuyển nơi cư trú trong số 10 quốc gia trên.

Cuộc sống đầy đủ về vật chất vẫn không giúp người dân Hàn Quốc cảm thấy hạnh phúc hơn. Ảnh: Internet


Theo ông Huh Jin-jae, Giám đốc Gallup chi nhánh Hàn Quốc, mối lo ngại bị tấn công gia tăng nhanh chóng trong năm 2010 sau vụ đắm tàu ngầm Cheonan của Hàn Quốc và vụ đấu pháo tại đảo YeonPyeong. Chỉ có 3,1% người Hàn Quốc nói rằng họ hoàn toàn không lo ngại chiến tranh và khủng bố, thấp hơn nhiều so với mức 13% ở Mỹ.

Người Hàn Quốc bị cho là luôn gắn với tiền của, vật chất; bằng chứng là chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (7,2%) người Hàn Quốc cho rằng tiền và hạnh phúc không liên quan, trong khi tỷ lệ bình quân ở các nước cùng điều tra là 24,3%. Song điều đáng nói chính là việc chỉ có 7,2% người Hàn Quốc tham gia cuộc thăm dò nói rằng họ cảm thấy “rất hạnh phúc”, tỷ lệ thấp nhất trong số các quốc gia tham gia cuộc thăm dò.

Inđônêxia là quốc gia có tỷ lệ cao nhất cho rằng họ là người hạnh phúc, tiếp đến là Việt Nam (46,0%), Malaixia 40,1%. Khi được hỏi họ có nghĩ rằng người Hàn Quốc hạnh phúc, trong số những người trả lời “không” có tới 65,9% là người Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, những người trong độ tuổi 20 tin rằng nhân dân Hàn Quốc kém hạnh phúc nhất, đạt tỷ lệ 74,3%, tỷ lệ này giảm xuống ở mức 69,2% trong độ tuổi 30, 64,0% trong độ tuổi 40 và 55,1% trong độ tuổi 50. Điều này cho thấy giới trẻ Hàn Quốc có xu hướng đánh giá tiêu cực về cuộc sống mà họ đang có.

Khi được hỏi về cách nhìn nhận với người giàu, đa phần người Hàn Quốc có đánh giá tiêu cực. Có tới 66,4% số người được hỏi cho rằng những người giàu ở Hàn Quốc có được như vậy là do được thừa kế tài sản, 57,6% cho rằng người giàu ở Hàn Quốc là do tham nhũng và các hoạt động trái đạo đức mà có. Trong khi đó, đa số người nước ngoài tham gia điều tra đều cho rằng những người giàu là nhờ vào quá trình lao động vất vả của họ mà nên.

Sự nhạy cảm với đồng tiền chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc thấp chỉ bằng phân nửa so với 10 quốc gia tham gia điều tra. Thăm dò dư luận cũng cho thấy Hàn Quốc là nước có tỷ lệ cao nhất cha mẹ muốn sinh con ở nước ngoài để con mình không mang quốc tịch Hàn Quốc. Chỉ có 20,1% người Hàn Quốc nói rằng họ muốn sinh con ở trong nước, tỷ lệ thấp nhất trong số 10 nước tiến hành điều tra.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN