Vấn nạn bệnh tâm lý ở Nhật Bản

Những ngày “cười và chịu đựng” đang nhanh chóng biến mất ở Nhật Bản khi số lượng người mắc trầm cảm và rối loạn lo âu tăng lên và phải dùng tới thuốc điều trị nhiều hơn, thay vì chỉ chọn cách chấp nhận nghịch cảnh như trước đây. Các bác sĩ, nhà tư vấn và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần xác nhận rằng các vấn đề trầm cảm và lo âu đang xuất hiện nhiều hơn ở xã hội Nhật Bản so với những năm trước đây.

Ảnh minh họa.


Lịch sử đất nước "Mặt trời mọc" chứng minh rằng bệnh tâm lý từng bị xem nhẹ và đôi khi bị kì thị trong xã hội. Năm 1900, Luật pháp Nhật Bản có điều khoản quy định những người mắc bệnh tâm lý phải cách ly khỏi xã hội và bị giam giữ trong chính nhà mình. Trong lịch sử nước Nhật, những tù nhân được cho là mắc bệnh tâm lý còn bị hành quyết.

Mặc dù những điều khoản luật trong chăm sóc sức khỏe tâm lý ở Nhật đã phát triển nhanh chóng trong nửa thế kỷ qua, hệ thống này ở Nhật vẫn đi sau các nước phát triển khác khi sự kì thị từ xã hội vẫn đeo bám những người mắc bệnh tâm lý.

Đầu những năm 1990, bong bóng kinh tế Nhật Bản bùng nổ đã “kết liễu” nhiều việc làm, và thậm chí là cuộc sống của nhiều người. Đây là nguyên nhân dẫn tới số lượng người tự tử cuối những năm 1990 tăng kỷ lục, tới 32.000 trường hợp/năm, khiến Nhật trở thành một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Năm 2007, con số này tăng tới 33.093 vụ, trở thành “quốc nạn” buộc chính phủ nước này phải hành động với cam kết giảm tỷ lệ này xuống ít nhất 20% trong vòng 10 năm.

Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật, tỷ lệ tự tử đã giảm trong những năm gần đây, với số lượng vụ tự tử năm 2012 giảm xuống còn 27.776 vụ, dưới mức 30.000 vụ lần đầu tiên kể từ năm 1997. Tuy nhiên, số lượng 27.283 vụ xảy ra năm 2013 vẫn rất đáng lo ngại.

Bộ Y tế, Lao động và công tác xã hội Nhật đã cấp ngân sách 220 triệu USD để tăng thêm và cải thiện các dịch vụ tư vấn tâm lý khan hiếm ở nước này, cũng như giải quyết các vấn nạn truyền thông, trong đó có sách báo, trang mạng khuyến khích những đối tượng có nguy cơ tự tử bước chân vào con đường nguy hiểm này.

"Bỏ thuốc an thần còn khó hơn cai nghiện heroin"


Số liệu của Hội tâm lý và thần kinh học Nhật Bản (JSPN) cho thấy 20-30% bệnh nhân ngoại trú và 30-40% bệnh nhân nội trú mắc rối loạn tâm lý và mặc dù có 13.000 bác sĩ ở Nhật Bản đang hành nghề bác sĩ tâm lý, một bác sĩ hàng đầu tại bệnh viện quốc tế nổi tiếng nhất Tokyo cho biết: “Chúng tôi cảm thấy điều này là không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm lý trong xã hội hiện nay. Trong 3 năm qua, tôi thấy số lượng bệnh nhân tới đây tăng mạnh vì các rối loạn lo âu và trầm cảm”.

“Bệnh viện có lẽ là nơi cuối cùng những bệnh nhân tâm lý lui tới, đặc biệt đối với người Nhật Bản, vốn có truyền thống không cần bác sĩ giúp đỡ những vấn đề tâm lý. Người Nhật được dạy chịu đựng những rắc rối một mình, phiền muộn giữ lại trong lòng”.

“Tôi không phải một nhà tâm lý, tôi làm việc trong ngành nội khoa hơn 10 năm và chưa từng phải kê nhiều liệu pháp chống lo lắng, trầm cảm hay thuốc ngủ như tôi từng phải thực hiện thời gian gần đây. Tôi chắc chắn rằng nếu không dùng thuốc, rất nhiều bệnh nhân của tôi sẽ tìm tới cái chết”, trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, bác sĩ giấu tên trên nói.

Một cuộc khảo sát do Bộ Y tế, lao động và công tác xã hội Nhật tiến hành cho thấy tỷ lệ kê đơn những loại thuốc trị trầm cảm đang tăng, bao gồm thuốc chống lo lắng và mất ngủ. Theo các nhà dược phẩm, các loại thuốc chống lo âu như alprazolam, chlordiazepoxide, diazepam and lorazepam phát huy tác dụng bằng cách làm chậm lại hoạt động của hệ thống thần kinh trung ương, giải tỏa các cảm giác căng thẳng, lo lắng. Các loại thuốc này cũng chữa trị được mất ngủ bằng cách rút ngắn thời gian cảm thấy buồn ngủ cũng như kéo dài thời gian ngủ.

Thay vì tìm tới một giải pháp dài hạn cho bệnh nhân, các bác sĩ Nhật đang có xu hướng kê đơn benzodiazepine (một loại thuốc an thần) để điều trị các triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu cấp tính nhiều hơn. Trong khi đó, một số loại thuốc như benzodiazepine nếu sử dụng trong thời gian dài có thể mang lại các tác dụng phụ nguy hại. Nhiều chuyên gia đánh giá “bỏ thuốc benzodiazepine còn khó khăn hơn cai nghiện heroin”.


Hạnh Nhân (Theo Tân Hoa Xã)











Trào lưu tự tử đáng báo động ở người già Trung Quốc
Trào lưu tự tử đáng báo động ở người già Trung Quốc

Sau khi tắm rửa, cụ Lin, 69 tuổi, mặc một bộ quần áo sạch sẽ. Ông ngồi giữa nhà và trước khi đưa chai thuốc sâu lên miệng, ông châm lửa hóa vàng mã cho chính mình. Số vàng mã mới cháy được một nửa thì người đàn ông tội nghiệp đã quỵ ngã và nằm bất động trên sàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN