Tương lai ảm đạm của ngành du lịch Tunisia

Vẫn chưa kịp gượng dậy kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2011, ngành du lịch - "lá phổi" của nền kinh tế Tunisia - tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc tấn công khủng bố hôm 18/3 vừa qua, làm 23 người thiệt mạng trong đó có 20 du khách nước ngoài, và 50 người bị thương.

Lực lượng an ninh Tunisia gác tại khu vực Bảo tàng quốc gia Bardo ngày 19/3.


Thủ tướng Tunisia Hassib Essid nói vụ khủng bố nhằm vào nền kinh tế Tunisia, vốn đang yếu kém và bị khủng hoảng, là một hành động hèn hạ. Và ngành du lịch đã phải nhận ngay hậu quả với nhiều khách du lịch tàu biển đã chọn không dừng chân tại Tunisia. Và nếu tiếp tục có những thông tin báo hủy du lịch đến Tunisia, điều đó sẽ trở thành thảm họa đối với ngành "công nghiệp không khói" tại đây.

Trên thực tế, ngành du lịch chiếm 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nuôi sống trực tiếp 400.000 người, chiếm 1/10 dân số quốc gia Bắc Phi này. Ông René Trabelsi, Phó chủ tịch Hiệp hội khách sạn tại Djerba, cho biết Tunisia không thể sống mà không có du lịch, đồng thời nhấn mạnh có đến hai triệu người dân nước này đang sống gián tiếp nhờ vào ngành du lịch.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công khủng bố tại Bảo tàng quốc gia Bardo ở trung tâm thủ đô Tunis của Tunisia hôm 18/3. Những năm gần đây, Tunisia đối mặt với tình trạng bạo lực do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra, trong đó một số vụ có liên quan đến IS và nhánh của tổ chức khủng bố al - Qaeda ở Bắc Phi. Theo thống kê, có khoảng 4.000 tay súng Tunisia đã gia nhập các nhóm thánh chiến ở Iraq, Syria và Libya, trong đó gần 500 tay súng được cho đã về nước và hiện là mối đe dọa về an ninh đối với Tunisia.

Ngành du lịch Tunisia hấp hối kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2011. Theo Bộ Du lịch nước này, trong bốn năm qua, lượng du khách đến Tunisia đã giảm 12%. Năm 2014, Tunisia đón 6 triệu du khách, giảm 900.000 khách so với năm 2010. Ông Trabelsi cho biết ngành du lịch bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục dù vẫn có những khó khăn và sau vụ khủng bố trên, năm 2015 chắc chắn sẽ còn phức tạp.

Ở Tunisia, du lịch gắn liền với tình hình an ninh. Ông Trabelsi nhắc lại vụ tấn công khủng bố vào một nhà thờ Do thái tại Djerba năm 2002 làm 21 người thiệt mạng, trong đó có 14 du khách Đức, khiến lượng du khách nước ngoài đến Tunisia giảm 7%. Song lượng du khách giảm mạnh nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị năm 2011, với mức giảm 30%. Và mới đây nhất, vụ hành quyết con tin người Pháp Herrvé Gourdel tại Algeria hồi tháng 9/2014, đã làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của Maroc và Tunisia. Bộ Du lịch Tunisia cho biết, lượng du khách đã giảm 15% trong tuần tiếp sau vụ hành quyết con tin người Pháp.

Tuy nhiên, có nhiều hãng du lịch đã bày tỏ tình đoàn kết với Tunisia để làm giảm thiểu tác động tiêu cực từ vụ khủng bố ngày 18/3 vừa qua. Sau vụ khủng bố, nhiều hãng lữ hành đã bày tỏ đoàn kết với nhân dân Tunisia, đồng thời cam kết vẫn tiếp tục đưa các tour du lịch đến Tunisia. Ông Trabelsi bày tỏ hy vọng ngành du lịch đất nước sẽ bớt được những khó khăn để có thể hồi phục.



Thanh Bình(P/v TTXVN tại Alger)
Tunisia sa thải nhiều quan chức sau vụ tấn công Bảo tàng Bardo
Tunisia sa thải nhiều quan chức sau vụ tấn công Bảo tàng Bardo

Thủ tướng Tunisia đã sa thải một số quan chức an ninh cấp cao của nước này sau vụ tấn công ở Bảo tàng Bardo hôm 18/3.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN