Trung Quốc sắp bước vào thời kỳ “không có nông dân”

Mới đây, tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức một hội thi thể thao nông dân, song thành phố Thâm Quyến tỏ ý không muốn tham gia với nguyên nhân “chỗ chúng tôi làm gì có nông dân”. Ngoài Thâm Quyến còn có hai, ba thành phố khác cũng vì lý do này mà phải cân nhắc có nên cử đoàn đại biểu tham dự thi đấu hay không. Trong bài viết trên tờ Đại Công báo (Hồng Công), bình luận viên Thái Hiểu Ưng cho biết thực tế này đang phát đi một tín hiệu, một Trung Quốc không có nông nghiệp truyền thống, không có nông dân theo ý nghĩa truyền thống rất có khả năng xuất hiện trong tương lai.

Dự báo, trong 15 – 20 năm tới sẽ có khoảng 700 triệu nông dân Trung Quốc thoát li nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân ở tỉnh Vân Nam thu hoạch lúa. Ảnh: Internet


Trên thực tế, cơ quan chức năng và đơn vị nghiên cứu đã đưa ra phán đoán sơ bộ về tương lai cơ cấu dân số Trung Quốc sau 15 - 20 năm nữa, sẽ có khoảng 500 triệu người dân nông thôn thoát li khỏi nông nghiệp truyền thống, chuyển sang các ngành sản xuất hiện đại. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 150 triệu nông dân, công nhân Trung Quốc lên thành phố làm việc, số lượng người dân nông thôn thoát li khỏi nông nghiệp truyền thống đã hơn 200 triệu người. Nếu cộng thêm 500 triệu người dự kiến nói trên, số nông dân thoát li ở Trung Quốc sẽ là 700 triệu người.

Bình luận viên Thái Hiểu Ưng nhấn mạnh, khái niệm “Trung Quốc không có nông dân” đang nói tới ở đây không phải là Trung Quốc không có nông thôn, càng không phải là Trung Quốc không có nông nghiệp, mà chỉ là Trung Quốc không có, hoặc về cơ bản không có nông dân làm nông nghiệp truyền thống và theo phương thức sinh hoạt truyền thống nữa. Đây là viễn cảnh mà giới lãnh đạo cho đến mỗi người dân Trung Quốc cần phải nghĩ đến. Khi “Trung Quốc không có nông dân”, nó sẽ mang đến những thay đổi to lớn như thế nào đối với đời sống mỗi con người, đối với sinh hoạt xã hội kinh tế Trung Quốc? Ảnh hưởng này có hai loại ngắn hạn và lâu dài, đồng thời cũng chia làm ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.

Tình hình lao động chân tay ở mức độ thấp sẽ vẫn còn căng thẳng trong một thời gian nữa, nhưng những ngành nghề dịch vụ ở thành thị (đặc biệt là loại dịch vụ liên quan tới đời sống người dân) thì lại “hừng hực” phát triển. Đồng thời, cùng với sự chuyển đổi về phương thức sản xuất và phương thức sinh hoạt của nông dân, ngành nông nghiệp, nuôi trồng quy mô nhỏ truyền thống sẽ hướng tới mục tiêu sản xuất chuyên nghiệp hóa ở quy mô lớn. Nhìn xa hơn, điều này sẽ đảm bảo tính bền vững cho quá trình phát triển của kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, tác giả Thái Hiểu Ưng cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng trên vẫn là tác động rất lớn của nó đối với đời sống xã hội. Nếu trong một tương lai không xa, đại bộ phận của 700 triệu nông dân tiến vào các thành phố cấp I, II, III và trở thành thị dân, số ít chuyển thành công nhân sản xuất của ngành nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hay ngành công thương hoặc doanh nghiệp, vậy thì, đứng trước xu thế và thách thức này, ngành gánh vác đầu tiên sẽ là thể chế quản lý xã hội của Trung Quốc. Những người “nông dân” cắt đứt dòng máu truyền thống và quan hệ với đất đai sẽ xuất hiện nhu cầu hoàn toàn mới. Điều này vừa bao gồm mưu cầu sinh tồn, cũng bao gồm những mưu cầu chính trị, trong đó có việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động và người làm trong các ngành công thương mới. Sự thức tỉnh ý thức độc lập tự chủ của con người do sự nhất thể hóa đời sống thành thị mang lại sẽ thay đổi thể chế kinh tế, thể chế chính trị của Trung Quốc, việc bảo vệ quyền lợi của công dân và xây dựng chính trị dân chủ sẽ đều “bị ép phải tăng tốc”.

Tóm lại, đất nước Trung Quốc không có nông dân ám chỉ sự thay đổi lớn ngàn năm qua chưa từng có mà Trung Quốc sẽ nghênh đón trong tương lai. Trong sự thay đổi vĩ đại ấy, tất sẽ có những bi kịch và hỷ kịch chưa từng được nghĩ tới. Nhưng đây là bi hỷ kịch về sự mất đi của sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN