Trung Quốc: Gian nan cuộc chiến với bệnh tự kỷ

Cô Pan Xuejun cẩn thận dán những tờ giấy màu lên cánh tay của một đám trẻ đang xếp thành hàng dài. Nhưng trái với sự chăm chú của cô, đám trẻ rất thờ ơ, vài đứa còn nước mắt sụt sùi.


 

Một giờ học tại trường học dành cho trẻ tự kỷ ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Đó là cảnh tượng thường thấy ở Trường học đặc biệt Golden Baby (Đứa trẻ vàng) do chính cô Pan Xuejun thành lập. Nằm ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, một khu vực kém phát triển bao quanh bởi cao nguyên, đồng cỏ và sa mạc khô cằn ở tây bắc Trung Quốc. Đây là trung tâm đầu tiên ở tỉnh Cam Túc và là một trong số ít ỏi những trung tâm hồi phục chức năng cho trẻ mắc bệnh tự kỷ ở Trung Quốc.


Năm 2007, cô đã Pan từ bỏ công việc giáo viên mẫu giáo để thành lập trường Golden Baby. Cô tâm sự: “Là một người mẹ, tôi hiểu sâu sắc nỗi đau của bậc làm cha mẹ khi con mình mắc bệnh tự kỷ. Điều trị căn bệnh này cần sự đầu tư rất lớn cả về thời gian và tiền bạc - điều mà không phải gia đình nào cũng có thể làm được”.


Pan cảm thấy cô “có nghĩa vụ” phải mở trường Golden Baby vì rất nhiều ông bố bà mẹ đang lo lắng không biết gửi gắm những đứa con kém may mắn của mình vào đâu để chúng được điều trị một cách có hệ thống. Họ còn phải đối mặt với định kiến xã hội, vốn rất thiếu hiểu biết về bệnh tự kỷ, rằng nguyên nhân khiến trẻ mắc căn bệnh này là do cha mẹ không quan tâm đầy đủ.


Theo các chuyên gia y tế, tự kỷ là chứng rối loạn thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Ở Trung Quốc, tự kỷ không được coi là bệnh trong suốt hàng chục năm trời và đến năm 2006 mới chỉ xem là tình trạng suy yếu về tinh thần.


Theo số liệu nghiên cứu y tế, có ít nhất 1,5 triệu trẻ em Trung Quốc mắc bệnh tự kỷ, tương đương với tỉ lệ 1/166 em. Hiện chưa có phương pháp chữa trị phổ biến nào cho căn bệnh này. Hầu hết trẻ mắc bệnh tự kỷ không thể theo học ở những trường học bình thường bởi chúng không đủ khả năng tiếp thu bài học. Vì thế, các trung tâm hồi phục cho trẻ tự kỷ kiêm luôn chức năng của trường học.


Và trường Golden Baby của cô Pan đã mang lại tia hy vọng cho những đứa trẻ kém may mắn. Cô Pan cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng tự kỷ là căn bệnh vô phương cứu chữa, một khi mắc bệnh sẽ phải chung sống cả đời với nó nhưng thực tế cho thấy những đứa trẻ rời khỏi trường của tôi đều khỏe mạnh và vui vẻ hơn. Thậm chí một số em còn theo học được ở những trường thông thường. Các bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi những điều các em có thể làm được”.


Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của Golden Baby là một thử thách lớn. Cô Pan cho biết, trong 5 năm qua đã có nhiều giáo viên và bảo mẫu từ bỏ Golden Baby, bởi chăm sóc trẻ tự kỷ là cả một núi công việc và bọn trẻ tính khí thất thường, nhiều khi bạo lực. Chìa cánh tay đầy những vết sẹo, cô Pan nói tiếp: “Bọn trẻ có thể tấn công bạn. Thật chẳng dễ dàng chút nào”.


Thêm nữa, trên khắp đất nước Trung Quốc hiện vẫn chưa có trường đại học hay cơ sở giáo dục nào đào tạo nhân lực cho công tác chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ. Vả lại, đây cũng không phải là một công việc thực sự hấp dẫn.


Bên cạnh đó, chăm sóc và điều trị cho trẻ tự kỷ đòi hỏi sự đầu tư khổng lồ về cả thời gian và tiền bạc. Để mở được trường Golden Baby, cô Pan đã phải đầu tư 370.000 nhân dân tệ (56.000 USD), nhưng suốt 5 năm qua, khoản đầu tư này chưa sinh được chút lời nào. Thậm chí nhiều lần cô Pan đã khất lương nhân viên của trường.

 

An Khanh (Theo THX)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN