Trung Quốc được gì từ việc mua nợ của châu Âu?

Bình luận về chuyến thăm Tây Ban Nha lần này của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tờ “Tín báo” (Hồng Công) cho biết Bắc Kinh đã gửi đến cho Tây Ban Nha những món quà “hậu hĩnh”.


Ngoài việc hai bên ký kết các hiệp định chính phủ và hợp đồng thương mại với tổng trị giá 7,5 tỷ USD, Bắc Kinh còn rộng tay mua lại các khoản nợ của Tây Ban Nha, quốc gia vốn đang lao đao trong cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu. Sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Tây Ban Nha tất nhiên có sự tính toán kỹ lưỡng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero (trái) chào mừng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi ông này đến Mađrít hôm 5/1/2011.

Thứ nhất, châu Âu là thị trường lớn nhất của Trung Quốc, với kim ngạch thương mại song phương tính đến hết tháng 11/2010 đạt tới 434 tỷ USD. Nếu châu Âu do lâm vào khủng hoảng nợ công mà thị trường thu hẹp lại, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại.

Thứ hai, xét từ góc độ chính trị, giúp đỡ châu Âu, Trung Quốc sẽ có lợi trong việc hối thúc châu Âu nhanh chóng công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, loại bỏ trở ngại cuối cùng trong hệ thống rào cản thương mại đối với Trung Quốc.

Thứ ba, kể từ sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, châu Âu vẫn luôn duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần thuyết phục châu Âu trong vấn đề này song đến nay vẫn chưa có kết quả.


Nay Trung Quốc ra tay giúp đỡ châu Âu giữa lúc khó khăn có thể là nhân cơ hội tốt này để hối thúc châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Thứ tư, nếu cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục xấu thêm, cuối cùng dẫn đến việc đồng tiền chung châu Âu bị sụp đổ, việc chỉ còn đồng USD độc bá trên thị trường tiền tệ thế giới sẽ khiến cho sách lược “thoát khỏi đồng USD" của Trung Quốc càng trở nên khó khăn. “Cứu người là cứu mình”, việc Trung Quốc giúp các nước thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu qua cơn hoạn nạn tất nhiên là sẽ có lợi cho chính Trung Quốc.

Thứ năm, xét từ góc độ lợi ích, lãi suất năm các khoản nợ của Tây Ban Nha hiện nay là 5,54%, của Bồ Đào Nha là 6,65%, của Hy Lạp là 12%, đều cao hơn mức lãi suất 3% và 3,32% của các khoản nợ của Đức và Mỹ.


Tất nhiên, lãi suất càng cao có nghĩa rủi ro càng lớn, song một quốc gia có thể phá sản nhưng không thể không thanh toán nợ. Giữa lúc châu Âu khốn đốn, việc Trung Quốc dám mạo hiểm đưa tay ra giúp đỡ đã thể hiện trách nhiệm của một nước lớn và những lợi ích vô hình mà hành động nghĩa hiệp này mang lại cho Trung Quốc cũng sẽ hết sức to lớn.

Trước đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ mua lại các khoản nợ quốc gia của Hy Lạp cũng như các nước châu Âu khác đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng nợ công, tỏ rõ thiện chí giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ này.


Tuy nhiên, dư luận cũng nghi ngờ về khả năng tài chính của Trung Quốc hiện nay, không rõ liệu Bắc Kinh có gánh vác được trọng trách “Chúa cứu thế” trong việc xử lý các món nợ khổng lồ của châu Âu hay không.


Theo tính toán của giới ngân hàng, từ cuối năm ngoái cho đến năm 2013, Ailen và Bồ Đào Nha cần nguồn tài chính lên tới 117 tỷ euro, trong khi riêng Tây Ban Nha cũng cần khoảng 351 tỷ euro, số tiền khổng lồ khiến khu vực đồng euro đã phải thành lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp để đối phó với vấn đề này bởi không một quốc gia đơn lẻ nào có thể gánh nổi.

Trung Quốc có thể nhân cơ hội giúp đỡ châu Âu để gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực đồng euro, song khó có thể thay thế vị trí của Mỹ tại khu vực này.


Trên thực tế, dư luận tại châu Âu nghi ngờ về những “tư lợi” của Trung Quốc đằng sau sự “viện trợ châu Âu” này. Theo “Tín báo”, nhân cơ hội Mỹ bận rộn với việc trở lại châu Á, chuyển sự chú ý sang phía Đông, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại châu Âu.


Bên cạnh đó, Trung Quốc và châu Âu còn có chung mục tiêu trong vấn đề thoát khỏi sự bá quyền của đồng USD. Nhưng dù thế nào hành động nghĩa hiệp của Trung Quốc với châu Âu lần này thực sự là một chiêu bài thông minh.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN