Trung Quốc cận kề khủng hoảng nguồn nước

Theo báo chí Canađa, Trung Quốc không chỉ là nước sản xuất các loại nông sản chính và thịt, mà còn là nước tiêu thụ lớn nhất các loại hàng hóa, từ gạo đến cao su, từ bông đến đồng nhưng nhu cầu lớn nhất và đang trở thành một trong những khó khăn lớn nhất của Trung Quốc là nước.


 

Ảnh: Internet

Hiện nay, chỉ 2,5% lượng nước trên trái đất là nước ngọt và 70% nước ngọt đang bị kẹt trong sông băng, chỏm băng và băng vĩnh cửu. Chỉ 0,4% nước ngọt của thế giới tồn tại ở hồ, sông và các vùng đất ngập nước (76%), trong đất (13%) và trong khí quyển (9,5%). Mặc dù Trung Quốc sở hữu 7% lượng nước ngọt của thế giới, nhưng dân số chiếm tới 20% của thế giới. Để so sánh, Trung Quốc có dân số đông gấp 4 của Mỹ, nhưng chỉ có lượng nước ngọt bằng 20% của nước Mỹ.


Việc sử dụng nước tại Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 1949, do chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích tự cung tự cấp lương thực. Do vậy, các khu vực nông thôn Trung Quốc liên tục tăng diện tích trồng các loại giống cây cần nhiều nước, hơn là tập trung vào các loại cây thích hợp với môi trường của họ. Nông nghiệp đang chiếm phần lớn tỷ lệ lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc.


Nhưng có một khó khăn lớn mà ngành nông nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt: chỉ 15% diện tích đất của Trung Quốc là có thể canh tác, nhưng 60% diện tích đất này nằm ở miền Bắc, những vùng luôn thiếu nước. Đồng bằng Hoa Bắc có hơn 200 triệu dân sinh sống, nhưng lượng mưa rất thấp. Với mức tiêu thụ nước hiện nay, khu vực này sẽ bị cạn kiệt nguồn nước ngầm trong vòng 30 năm tới. Không những sử dụng nhiều nước nhất, nông nghiệp Trung Quốc còn là ngành ô nhiễm nhất. Diện tích trồng trọt bằng một sân bóng đá (khoảng 7.100 m2) sử dụng tới 912 kg phân hóa học. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 300 triệu nông dân Trung Quốc không được dùng nước uống an toàn. Tình hình ngày càng trầm trọng khi Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu dùng hàng hóa lớn. Đến năm 2020, khoảng 30 triệu người Trung Quốc sẽ phải thay đổi chỗ ở do không có nước.


Khó khăn về nước không chỉ tồn tại ở nông thôn và nông nghiệp, mà cả ở thành phố và các ngành công nghiệp. Hơn 2/3 số thành phố của Trung Quốc hiện thiếu nước, với một số thành phố phải đào giếng sâu tới gần 200 m. Không chỉ 52% sản lượng công nghiệp được sản xuất tại các khu vực thiếu nước, mà việc lãng phí nước là phổ biến tại Trung Quốc. Tùy theo sản phẩm, lượng nước được sử dụng tại Trung Quốc thường cao gấp 3 - 10 lần so với ở các nước phát triển.


Giải pháp của Trung Quốc để giải quyết vấn đề thiếu nước là dự án chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc, được đề xuất từ thời Chủ tịch Mao Trạch Đông nhưng mới được phê chuẩn năm 2002. Dự án này có kế hoạch chuyển mỗi năm hơn 54 tỷ m3 nước từ lưu vực sông Dương Tử lên phía bắc. Một yếu tố làm phức tạp thêm vấn đề nước là Trung Quốc có tới một nửa số lượng đập nước của thế giới, trong đó có đập Tam Hiệp (ảnh), đập thủy điện lớn nhất hành tinh nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Hồi tháng 8/2012, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố mục tiêu cắt giảm 17% lượng khí thải CO2 vào năm 2015 so với tổng lượng khí thải của năm 2010. Và một trong những cách chủ chốt để làm điều này là tập trung vào thủy điện. Trung Quốc dự kiến bổ sung thêm 120 GW công suất thủy điện vào năm 2015, tương đương với việc mỗi năm lại xây thêm một nhà máy thủy điện quy mô như Tam Hiệp trong 5 năm tới.


Liệu Trung Quốc có cách nào để tránh bị khủng hoảng nước hay không? Dự án chuyển nước từ phía nam lên phía bắc dự kiến được hoàn thành vào năm 2050, khi mà nhiều khu vực tại miền Bắc Trung Quốc đã cạn kiệt nước. Còn về các nguồn cung nước mới, một số thành phố ven biển đang xây dựng các dự án khử muối ở nước biển, nhưng các dự án này cực kỳ tốn kém và yêu cầu nhiều điện. Do vậy, cách duy nhất là Trung Quốc phải tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm và thiếu nước.


Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN