“Trốn” khủng hoảng bằng đồng bảng Bristol

Trong khi nước Anh đang mất dần niềm tin vào các ngân hàng và cảm nhận ngày càng rõ những cơn địa chấn từ cuộc khủng hoảng đồng euro, một thành phố của xứ sương mù đang tìm cách giữ lại nguồn của cải địa phương trong các ví tiền của người dân bằng cách tung ra một đồng tiền riêng.


 

Các mẫu mệnh giá đồng tiền “địa phương” của thành phố Bristol.

 

Đồng bảng Bristol - chỉ dùng cho các nhà kinh doanh tại thành phố Bristol ở tây nam Anh - sẽ ra mắt vào tháng 9. Và hiện tại, các nhà tổ chức đang rất bận rộn với những chồng hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp địa phương. Nhà đồng tổ chức hệ thống đồng bảng Bristol, ông Ciaran Mundy phát biểu với hãng tin Pháp AFP: “Đây là vấn đề nói ‘có’ với một cái mới. Kế hoạch này đặt ra một bộ giá trị khác về đồng tiền”.


Cũng theo ông Mundy, kế hoạch đồng bảng Bristol đã “chiếm được trí tưởng tượng của mọi người”, trong một năm suy thoái nặng nề khi các ngân hàng Anh bị bủa vây bởi những vụ bê bối còn các bộ trưởng thì công khai nói về viễn cảnh đồng euro sụp đổ.


Hàng trăm doanh nghiệp đã đăng ký tham gia hệ thống đồng tiền riêng của Bristol, từ trung tâm nghệ thuật Arnolfini cho tới chuỗi cửa hàng đồ ăn Chandos, hay các cửa hàng bán rượu táo và giày trượt băng. Để chuẩn bị kỹ càng cho hệ thống tiền tệ mới này, sự kiện ra mắt đã được hoãn từ tháng 5 đến ngày 19/9 tới.


Các đồng giấy bạc Bristol in những biểu tượng là niềm tự hào của thành phố, từ nhà văn thế kỷ 19 Hannah More cho tới máy bay Concorde (được chế tạo một phần tại Bristol) hay các hình ảnh của lễ hội đường phố St Paul’s Carnival Caribbean. Một mặt của tờ 5 bảng còn in hình một con hổ đang viết lên bức tường theo kiểu graffiti dòng chữ “O Liberty!”.


Trước đây, một số thị trấn của Anh đã đi đầu trong việc lưu hành những đồng tiền riêng, nhưng Bristol, với nửa triệu dân cư, là thành phố lớn đầu tiên xúc tiến kế hoạch tham vọng này. Các doanh nghiệp có thể trả thuế địa phương bằng đồng bảng Bristol trong khi hội đồng thành phố đã đề nghị 17.000 viên chức lựa chọn nhận một phần thù lao bằng đồng “nội tệ”.


Với những hoạt động ban đầu từ nguồn tài trợ, nhóm của Mundy đã thiết kế một hệ thống thanh toán điện tử qua tin nhắn điện thoại, bổ sung vào cái mà họ gọi là giấy bạc chống làm giả. Chuyên gia này cho rằng “80% lượng tiền sẽ rời khỏi địa phương nếu chúng được tiêu bởi một công ty đa quốc gia, nhưng 80% sẽ ở lại nếu nó được chi tiêu tại một nhà buôn địa phương”.


Những người theo chủ nghĩa địa phương như Mundy có vẻ như xa lạ tại một thành phố đã phát triển thịnh vượng như Bristol - một hải cảng quốc tế và một trung tâm của ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Nhưng Bristol cũng là “bến cảng” của truyền thống hoạt động xã hội. Tổ chức Nền cộng hòa Stokes Croft - một tổ chức đổi mới đô thị - năm ngoái đã gây xôn xao với một chiến dịch bị biến thành biểu tình bạo loạn tại lễ khai trương một siêu thị của hệ thống Tesco. Stockes Croft đã nhiệt tình hoan nghênh đồng bảng Bristol. “Chúng tôi cần điều hành mọi thứ từ gốc, để người dân kiểm soát được mọi việc xảy ra thế nào ở nơi họ đang sống”, người phát ngôn Stockes Croft, Chris Chalkley nói.


Tuy vậy không phải ai cũng đồng tình với đồng “nội tệ” của Bristol. Louisa Jones và Joh Rindom, đồng chủ sở hữu cửa hàng thời trang vintage Shop Dutty, cho rằng, kế hoạch này chỉ đổ thêm gánh nặng hành chính cho họ. “Chúng tôi nghĩ một nền kinh tế vi mô bên trong nền kinh tế vĩ mô như thế là một bước lùi”, Rindom nói. Ben Yearsley, giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, có trụ sở tại Bristol, cũng sẽ không chuyển đổi tiền bạc của mình.


Bất chấp phe nói “không”, Mundy hy vọng, hàng trăm ngàn đồng bảng Bristol sẽ được giao dịch trong năm đầu tiên, và sẽ tăng lên “những con số hàng triệu” trong năm thứ ba. Ông đã lấy mô hình cho đồng bảng Bristol từ Chiemgauer, một đồng tiền bổ sung của Đức, được giao dịch với trị giá hàng triệu euro mỗi năm. Trang cơ sở dữ liệu complementarycurrency.org đã liệt kê trên 225 loại tiền “thiểu số” như vậy trên toàn thế giới, trong đó có 102 đồng tại châu Âu. Những đồng tiền này đã được sự ủng hộ của ông Bernard Lietaer, một nhà kinh tế học người Bỉ từng giúp thiết kế và thực hiện cơ chế chuyển đổi sang đồng euro. Trong một bài giảng ở Brúcxen, ông Lietaer đưa ra quan điểm: “Chúng ta sẽ không bao giờ có một hệ thống tiền tệ bền vững, ổn định với một loại tiền độc quyền, dù cho ai là người quản lý nó. Mọi người có thể làm gì đó ở quy mô của họ và sự bền vững đòi hỏi tính đa dạng”.


Mundy thừa nhận, thử nghiệm cuối cùng đối với hệ thống của ông sẽ là thị trường: “Nếu chúng ta không tổ chức công việc tốt, khách hàng sẽ không sử dụng hệ thống. Khách hàng sẽ là người quyết định”.

 

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN