Trẻ em kiếm sống trên đường phố Mumbai

Trên sợi dây căng cao khoảng 2,5 m so với mặt đất, với chiếc lư đồng được giữ cân bằng trên đầu, trong tay là chiếc gậy tre dài được sơn màu trang trí, cô bé Barsati (9 tuổi), biểu diễn tiết mục đi trên dây khiến các du khách ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) không khỏi thán phục.


Và mỗi khi người thím của cô bé ngồi bên dưới gõ trống thì tiết mục biểu diễn này càng thu hút ánh mắt tò mò của người dân và du khách qua đường ở vùng cảng biển đông đúc phía Nam thành phố giàu có Mumbai. Thỉnh thoảng có những tiếng đèn “flash” chụp hình từ điện thoại hay những đồng rupee được ném vào chiếc bát để trên vỉa hè dành cho cô bé.

 

 

Cô bé Barsati đang biểu diễn trước sự giám sát của người chú Chotu Nath.


Theo số liệu ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, có khoảng 28 triệu trẻ em ở Ấn Độ đang lao động kiếm tiền dưới các hình thức khác nhau. Barsati chỉ là một trong số đó. Thay vì được đến trường, em phải làm quen với việc leo dây từ tuổi lên 5. “Cháu đã quen với việc này rồi, mọi người cho cháu tiền”, cô bé nói.


Mẹ và bà ngoại của Barsati khi nhỏ cũng làm những việc này, đó là “công việc gia truyền”. “Trẻ con sẽ không bao giờ bị ngã vì chúng đã được học từ nhỏ”, người chú của cô bé, Chotu Nath, cho biết. Với “kỹ năng hiếm hoi” này, mỗi ngày em kiếm được khoảng từ 1.500 đến 2.000 rupee (khoảng 500.000 đến 700.000 đồng) về cho bố mẹ. Gia đình em sống tại khu ổ chuột vùng ngoại ô, cách Mumbai khoảng hơn 2 giờ tàu chạy.


Từ năm 2009, Luật Giáo dục của Ấn Độ quy định trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 có quyền và nghĩa vụ đến trường học tập miễn phí và một lệnh cấm hoàn toàn lao động trẻ em đã được Quốc hội nước này thông qua năm 2012. Theo chủ tịch Ủy ban Quốc gia về bảo vệ Quyền trẻ em (NCPCR), Kushal Singh, pháp luật Ấn Độ hiện hành cấm trẻ em dưới 14 tuổi làm những công việc nguy hiểm, tuy nhiên điều này cũng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. “Sự thiếu hiểu biết và do quá nghèo nên bố mẹ chúng nghĩ rằng trẻ em cũng cần phải làm việc để giúp đỡ gia đình. Nghèo đói, không được học hành đến nơi đến chốn đã làm họ rơi vào một vòng luẩn quẩn”, ông Singh nói.


Theo số liệu được công bố vào tháng 2/2014 của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, khoảng hơn một nửa người dân Ấn Độ đang sống trong điều kiện thiếu thốn các phương tiện để đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu. Họ chi tiêu ít hơn 1.336 rupee (khoảng 21 USD) một tháng. Tổ chức UNICEF của Liên hợp quốc cũng cho biết ở Ấn Độ hơn 8 triệu trẻ em không được tới trường và khoảng 80 triệu trẻ em không hoàn thành hết bậc phổ thông cơ sở mà phải bỏ học giữa chừng.


“Sự nhìn nhận đối với lao động trẻ em thay đổi rất chậm. Họ cho rằng trẻ con thuộc trách nhiệm của cha mẹ, nên chúng tôi không thể can thiệp sâu dựa trên quyền căn bản của trẻ. Cần có sự thay đổi tư duy của cả gia đình và các cơ quan thực thi pháp luật”, ông Singh nói và cho biết Ủy ban của ông cũng vừa phát động phong trào “Rời đường phố đến trường học” trong tháng 3 vừa qua.


Năm 2013, Tổ chức Hành động cứu trợ Ấn Độ (Action Aid India - AAI) tiến hành khảo sát và nhận định số trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố Mumbai từ khoảng 100.000 trẻ nay giảm còn khoảng 37.000. Nguyên nhân của sự giảm này một phần do sự sợ hãi sau vụ khủng bố kinh hoàng ở phía nam Mumbai năm 2008, chứ không phải vấn đề trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố đã được giải quyết.


“Con số này không giảm xuống, mà chỉ được tản vào bên trong khu nhà ổ chuột và vùng ngoại ô”, bà Zarin Gupta, Chủ tịch Salaam Baalak Trust về trẻ em đường phố Mumbai nói. Bà cũng quan ngại rằng lực lượng lao động trẻ em của thành phố được bổ sung liên tục bởi các gia đình di cư từ khu vực nghèo hơn, lượng trẻ bị buôn bán và lao động cưỡng bức, thường trong lĩnh vực dịch vụ hoặc các nghề mại dâm.


Còn theo Giám đốc chi nhánh AAI khu vực Mumbai, Nifja Bhatnagar, vấn đề lao động trẻ em ở Ấn Độ sẽ chỉ được giải quyết khi có những bước tiến trong việc cải thiện hệ thống phúc lợi, bao gồm cả nhà ở, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh dịch tễ. Đây thực sự sẽ vẫn là một nhiệm vụ quan trọng đối chính phủ mới sắp tới của đất nước có hơn một tỉ dân này.


Ngọc Du (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN