Tranh cãi quanh chuyện dùng iPad làm "người trông trẻ"

Cậu bé George 22 tháng tuổi ở Pari (Pháp) ngồi trên chiếc ghế xanh nhỏ, tay tì lên cái bàn trẻ em, say sưa với thứ đồ chơi của người lớn - một chiếc máy tính bảng iPad. Xu hướng cho trẻ em chơi các đồ công nghệ cao đã rung lên một hồi chuông báo động đối với các chuyên gia về phát triển trẻ em.

Một bé gái say sưa chơi iPad. Ảnh: Internet

 

George mải mê dùng ngón tay chạm lên nút có hình con vịt trong Moo Box - một ứng dụng có hình ảnh các con vật phát ra tiếng kêu điển hình của từng loài.

Đối với mẹ bé, chị Aurelie Mercier 32 tuổi, ứng dụng trên iPad thật là tuyệt vời vì nó có thể giúp con trai chị mở rộng thế giới. Bé có thể chơi nhạc trên một chiếc đàn piano ảo mà không tiếp xúc với đàn thật. Chị nói: "Đó là cánh cửa mở ra hàng nghìn thứ mà nhà chúng tôi không có và chúng được chứa đựng trong một vật thể rất bé".

Theo ông Heather Leister, người chuyên đánh giá các ứng dụng dành cho trẻ em trên một trang web của Mỹ từ năm 2009, số ứng dụng dành cho trẻ em đang bùng nổ nhờ sở thích của các bé như George.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý và phụ huynh đang chia rẽ xung quanh việc cho trẻ em chơi điện thoại thông minh và máy tính bảng. Họ tranh cãi về ảnh hưởng của những thiết bị như vậy đối với quá trình phát triển của trẻ trong hai năm đầu đời.

Các chuyên gia trong một phiên thảo luận ở New York (Mỹ) tháng 4 mang tên "Bộ não của trẻ và trò chơi điện tử" đã kêu gọi các phụ huynh hạn chế cho con mình sử dụng thiết bị điện tử. Nhưng chính họ cũng phải thừa nhận sức hút mê hoặc của những thiết bị này với trẻ em, đặc biệt là iPad. Ông Warren Buckleitner, một thành viên tham gia buổi thảo luận và là biên tập tờ Tạp chí công nghệ trẻ em (Children's Technology Review), thừa nhận: "Bạn không thể nào kéo chiếc iPad ra khỏi tay lũ trẻ".

George lần đầu đòi chơi iPad khi mới 10 tháng tuổi. Bé liên tục chỉ tay và nhìn về hướng chiếc iPad. Giờ cậu bé được nghịch iPad 30 phút/tuần. Cha mẹ cậu đều là họa sĩ đồ họa và gần đây họ đã phát triển một ứng dụng đầu tiên cho phép tạo ra những hình ảnh như pháo hoa trên màn hình. Mặc dù ứng dụng hướng tới người lớn nhưng chị Mercier đã để George chơi với ứng dụng này. Nhìn George chăm chí đưa những ngôi sao màu vàng quay quanh màn hình mới thấy sức mê hoặc của thiết bị này với trẻ em.

Văn hóa video tràn lan

Bố mẹ George định phát triển các ứng dụng thân thiện với trẻ em, dựa trên sở thích của các bé như màu sắc bắt mắt, âm thanh, các nút to, đơn giản. Chị Mercier cho biết: "Chúng tôi sẽ dùng George làm người thử nghiệm của chúng tôi. Chúng tôi đang nhờ bé đưa ra những lời khuyên hữu ích".

Đối với Katie Linendoll, một chuyên gia kỹ thuật thuộc kênh truyền hình CNN ở New York, các ứng dụng trên thiết bị thông mình là "người trông trẻ tối ưu". Cô thường để đứa cháu mới chập chững biết đi chơi các ứng dụng yêu thích với mức độ vừa phải như Crazy Piano! và Crayola Colour Studio HD - một quyển sách nhiều màu sắc công nghệ cao, trong đó động vật di chuyển khi được tô màu. Linendoll nói: "Nếu bạn có một ứng dụng dễ hiểu, trẻ con sẽ bị thu hút ngay".

Tuy nhiên, một số vị phụ huynh lo lắng rằng văn hóa máy tính sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ em chơi với đồ chơi truyền thống. Bà Sarah Rotman Epps, một nhà phân tích kỹ thuật dành cho người tiêu dùng ở Boston, kể: "Con trai 2 tuổi của tôi thích vẽ trên giấy bằng bút sáp. Nhưng nó rất tức giận khi các hình vẽ không chuyển động. Tôi cho rằng đó là do văn hóa video và hoạt hình tràn lan đang ảnh hưởng đến bé".

Trên trang web chia sẻ video YouTube, có một đoạn video trong đó quay cảnh một em bé một tuổi đang cố gắng vô ích khi dùng tay cuộn một chiếc máy tính bảng chụp trong quyển tạp chí mà bé đang cầm.

Đây chính là điều khiến nhà tâm lý học trẻ em Serge Tisseron lo lắng. Ông sợ rằng các ứng dụng đó không thể dạy trẻ em tiếp thu không gian ba chiều một cách đúng đắn - một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển. Ông nói: "Chúng tôi cho rằng trẻ em cần phát triển mọi giác quan".

Theo hãng tin AFP, trong hai năm đầu đời, kích thước não trẻ to gấp ba, khớp thần kinh hình thành khi trẻ tiếp xúc với các đồ vật mà chúng ngửi, cắn và ném.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN