Tranh cãi độ tuổi được phép sinh con ở Ấn Độ

Hiện nay ở Ấn Độ đang nở rộ phong trào những người phụ nữ trong độ tuổi 60 - 70 bất chấp tuổi tác vẫn liều lĩnh áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) để được mang thai và sinh con.

Trước đó, một cặp vợ chồng 70 tuổi đã đón chào đứa con đầu lòng của mình sau 46 năm kết hôn. Bà Daljinder Kaur (72 tuổi) hạ sinh một cậu nhóc kháu khỉnh vào tháng 5 vừa qua sau hai năm áp dụng phương pháp IVF nhận trứng của người hiến tặng tại một cơ sở y tế ở phía bắc tỉnh Haryana.

Hai vợ chồng già này đều tỏ rõ hạnh phúc và vui mừng khi được lên chức sau bao năm mong mỏi. Sự thành công trong việc áp dụng IVF đối với những bà mẹ lớn tuổi như bà Daljinder đã khiến những người phụ nữ khác ở Ấn Độ học tập theo, với hi vọng mình cũng sẽ có con. Nhiều phụ nữ 60 - 70 tuổi bắt đầu đến các cơ sở y tế yêu cầu bác sĩ áo dụng phương pháp thụ tinh cho mình bất chấp việc sinh con có thể nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.

Cặp vợ chồng bà Daljinder Kaur vừa đón chào đứa con đầu lòng.

Tuy không có quy định chính thức hạn chế độ tuổi của một cặp đôi muốn sử dụng phương pháp IVF ở Ấn Độ, song các bác sĩ đã lên tiếng cảnh cáo trước tình trạng lạm dụng phương pháp này. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) - một tổ chức do chính phủ tài trợ - khuyến cáo không nên cấy phôi thai cho phụ nữ trên 50 tuổi.

Bác sĩ Kamini Rao - chuyên về sản phụ khoa - cho biết nếu như bà Daljinder có tìm đến mình thì cô cũng sẽ không cấy ghép phôi thai cho bà. Bác sĩ Rao giải thích: “Ở độ tuổi của Daljinder, cơ thể bà không thể chịu được quá trình mang thai. Và thậm chí nếu chịu được thì sau khi sinh con điều kiện sức khỏe của bà có cho phép nuôi dạy đứa bé khỏe mạnh? Bà có thể dậy nửa đêm để thay tã cho đứa trẻ?”.

“Bác sĩ không thể đánh đổi sinh mạng của một đứa trẻ. Phong trào này đã đem đến niềm hi vọng sai lầm cho các cặp đôi khác - những người dành rất nhiều tiền để chi trả cho phương pháp chữa trị đắt đỏ này. Nếu không phải là bác sĩ ai mới là người được hưởng lợi”, bác sĩ Rao bức xúc.

Trong khi đó, các y bác sĩ khác cũng hối thúc chính phủ hành động để ngăn chặn tình trạng phụ nữ lớn tuổi mang thai. Tiến sĩ Narendra Malhotra - Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ Sinh sản Xã hội Ấn Độ (ISAR) cho biết: “Chúng tôi đã đệ dự luật về quy định hướng dẫn cho Kỹ thuật Sinh sản có hỗ trợ (ART) lên chính phủ nhưng bị bỏ ngỏ suốt 7 năm nay. Có những bà mẹ đã mất mạng khi mang thai. Chỉ vì chúng ta có thể làm gì đó không có nghĩa là chúng ta nên làm”.

Ngoài ra, giới chức y học cũng nhấn mạnh việc tự ý thức và điều chỉnh bản thân đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xu hướng này. Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Tổng giám đốc ICMR, nhận định: “Việc thông qua thành luật cấm và sửa đổi cần thời gian dài. Sẽ có hiệu quả nếu như các bác sĩ tự nhận thức không thực hiện phương pháp IVF cho những người phụ nữ lớn tuổi. Họ là những bác sĩ có kinh nghiệm, và không nên được phép thực hiện phương pháp này. Thay vào đó họ nên tư vấn cho bệnh nhân về những mối nguy sẽ diễn ra nếu như được áp dụng”.

Giải thích về sự lựa chọn cấy ghép phôi thai cho vợ chồng bà Daljinder, bác sĩ sản Anurag Bishnoi chia sẻ với tờ Guardian: “Lúc đầu tôi không có ý định chuyển phôi vào cơ thể bà Daljinder vì trông bà rất yếu. Nhưng sau một loạt các xét nghiệm kiểm tra y tế, chứng minh bà vẫn khỏe mạnh, tôi mới đồng ý tiếp tục. Đối với họ đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất”.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AFP, người mẹ lớn tuổi Daljinder cho biết bà quyết định sử dụng phương pháp IVF sau khi xem một chương trình trên TV. Bà vui mừng chia sẻ: “Chúa trời đã nghe lời cầu xin của chúng tôi. Đời tôi là đã hoàn thành tâm nguyện. Tôi sẽ tự mình chăm sóc đứa bé. Tôi có đầy đủ sức lực. Và chồng tôi cũng hết lòng giúp sức và quan tâm”. Cậu con trai mới sinh của cặp vợ chồng già, Arman, được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh với cân nặng 2 kg.

Tại một số nước như Anh, Nhật Bản, Israel..., quy định toàn quốc khuyến cáo áp dụng phương pháp IVF lên cho phụ nữ không quá tuổi 43. Tuy nhiên, tại một số phòng khám tư, nơi bệnh nhân phải trả tiền cho việc chữa trị, phương pháp này vẫn được lén lút triển khai.
Hồng Hạnh
Vì sự nghiệp, phụ nữ Hong Kong không muốn sinh con
Vì sự nghiệp, phụ nữ Hong Kong không muốn sinh con

Dù rất muốn cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, nhưng nhiều phụ nữ Hong Kong (Trung Quốc) lại vì sự nghiệp mà không tính tới chuyện sinh con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN