Trả lại tuổi thơ cho trẻ tị nạn

Một chương trình với các khóa học miễn phí tại Đại học Sacred Heart, Johannesburg (Nam Phi) đang giúp những trẻ em tị nạn, từng đối mặt với những nỗi sợ hãi do chiến tranh, tìm lại cuộc sống bình thường.

Sau khi kết thúc các lớp học bình thường ở Đại học Sacred Heart, 140 trẻ tị nạn tập trung tham gia các khóa tiếng Anh, toán và các "kỹ năng sống" từ 3 - 6 giờ chiều. Thời gian học này cũng được phản ánh rõ qua tên gọi của chương trình "ba đến sáu".

Trẻ tị nạn trong các lớp học miễn phí tại Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN


Ivan Imanalrakoze, một cậu bé tị nạn người Ruanđa 13 tuổi, nói: "Bố mẹ em thường nói rằng họ tới Nam Phi để tìm một cuộc sống. Còn em, em đến đây để được học, được giáo dục tốt". Rời Ruanđa từ năm 2007, Ivan cũng giống như bạn bè mình, cậu không có giấy khai sinh và tiền để theo học tại các trường bình thường.

Tại đây hàng ngày cậu được nhận một bữa ăn và được giáo dục cơ bản mà cậu hy vọng sẽ giúp cậu học lên cao hơn. Cậu bé cũng có cơ hội được chạy nhảy trong sân trường, cười đùa với bạn bè, trở thành một đứa trẻ bình thường. "Một trong những lợi ích của dự án này là nó trả lại tuổi thơ cho lũ trẻ", hiệu trưởng Colin Northmore nói.

Không ít đứa trẻ đã phải trải qua những chuyện hãi hùng như cô bé Grace Kashongo 13 tuổi đến từ Kivu, một tỉnh đông bắc của Cộng hòa Dân chủ Cônggô, nơi chiến sự đã nổ ra giữa quân đội và lực lượng chống đối từ cuối năm 2008, khiến ít nhất 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Grace kể: Một hôm, khi cô bé đến trường cùng chị gái thì bị một nhóm người chặn lại. "Em bảo chị gái chạy thôi nhưng chị nói chờ đã. Đến khi chúng em bỏ chạy thì họ lấy súng bắn vào sau gáy chị ấy. Sau đó, họ bảo em biến đi, nếu không cũng sẽ bị giết". Sau đó, tháng 2/2010, Grace cùng gia đình đến Nam Phi. "Em thấy ở đây thoải mái như ở nhà. Em thấy khỏe và an toàn. Vì mọi người không phải bỏ chạy, không bị sát hại. Em rất hạnh phúc" – Grace tâm sự.

Nhiều giáo viên trong trường cũng có hoàn cảnh tương tự như học sinh. Họ cũng là người tị nạn. Esther Munonoka, một giáo viên đến từ Ruanda, nói: "Chương trình này giúp lũ trẻ hòa nhập được với các trường công lập, làm quen với môi trường lớp học và biết viết bằng tiếng Anh. Các em phải tự học những nội dung khác".

Chương trình này được các nhà tài trợ nước ngoài, chủ yếu là Đức, Hà Lan và Mỹ, đảm bảo kinh phí hoạt động. Theo đó, trường học đảm bảo đồng phục miễn phí cho học sinh và những trường hợp có điều kiện thì phải tự lo phương tiện đi lại, thường tốn khoảng 75 rand (11 USD/tháng).

Gần 70% số học sinh tị nạn đến từ khu vực nói tiếng Pháp của châu Phi, nhiều nhất là CHDC Cônggô và Ruanđa. Năm 2010, gần 30 học sinh đã được chuyển sang các lớp học bình thường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đôi khi khá khó khăn do nhiều trường học không sẵn lòng nhận học sinh có lai lịch phức tạp.

Trên thực tế, chính Nam Phi cũng đang phải nỗ lực đảm bảo giáo dục cho thế hệ trẻ của mình. Một đánh giá năm 2010 cho thấy chỉ có 17% học sinh lớp 3 ở Nam Phi có thể trả lời hơn một nửa câu hỏi trong một bài kiểm tra toán căn bản.

Trong bối cảnh tâm lý chống nhập cư bùng phát trên khắp đất nước kể từ khi làn sóng bạo lực bài ngoại năm 2008 khiến 62 người thiệt mạng, dự án "ba đến sáu" không phải lúc nào cũng được đón nhận. Người dân Nam Phi cáo buộc những người nước ngoài là tác nhân gia tăng tỉ lệ tội phạm cao, cũng như chiếm lấy số việc làm vốn đã ít ỏi ở đất nước này.

Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN