Timor – Leste: Đất nước non trẻ trên đà hội nhập

Tới thủ đô Dili, du khách sẽ cảm thấy như đang có mặt tại Cuba hay một quốc gia vùng Caribe nào đó khi dễ dàng bắt gặp những chiếc xe ô tô đầy màu sắc, những người dân với làn da nâu bóng cùng nụ cười tươi.

Sau 14 năm kể từ ngày tái độc lập (20/5/2002), Timor – Leste vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới do chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Chính phủ và người dân nơi đây đang nỗ lực chuyển mình với mục tiêu ra nhập ASEAN vào năm 2020.

Sắc màu Latinh của châu Á

Cộng hòa dân chủ Timor - Leste có diện tích 15.410 km² với dân số “khiêm tốn” khoảng 1,3 triệu người. Tên "Timor" xuất phát từ chữ timur nghĩa là "phía đông" trong tiếng Indonesia rồi trở thành Timor trong tiếng Bồ Đào Nha. Cái tên Timor-Leste còn có ý nghĩa văn chương là "mặt trời mọc" và quả thực đất nước này quanh năm tràn ngập ánh nắng mặt trời. Trên quãng đường hơn 5km từ sân bay về trung tâm Thủ đô Dili, du khách sẽ có cảm giác như đang có mặt tại Cuba hay một quốc gia vùng Caribe nào đó khi dễ dàng bắt gặp những chiếc xe ô tô đầy màu sắc, những người dân với làn da nâu bóng cùng nụ cười tươi. Trục chính của Dili là con đường chạy dọc bãi biển với những hàng dừa thẳng tắp hướng tới bức tượng Chúa Jesus có tên gọi Cristo Rei of Dili, cao thứ 2 thế giới. Những vũ công váy áo rực rỡ nhảy điệu Manu Liras truyền thống chào mừng ngày tái độc lập. Chợ hoa quả trung tâm Dili đầy màu sắc, bày bán đủ các loại trái cây của miền nhiệt đới như chuối, đu đủ, dưa chuột, cà chua… 

Người dân Timor – Leste trên những chuyến xe đến dự kỉ niệm ngày tái độc lập.

Anh Nguyễn Hùng Cường, người đã có thời gian 6 năm sinh sống tại Timor – Leste cho biết tính cách của người dân nơi đây cũng mang màu sắc Latinh. Họ sống thân thiện, cởi mở và luôn mỉm cười. Dù phải đối mặt với nghèo đói và nhiều vấn đề xã hội nhưng người dân luôn lạc quan, hạnh phúc và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng.  Người dân Timor – Leste đã phải đổ nhiều máu để có được độc lập, nên họ hiểu giá trị của tự do. Tại Lễ kỉ niệm 14 năm ngày tái độc lập, người dân Timor- Leste giăng quốc kỳ khắp nơi, giành những phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã ngã xuống và họ hát vang những bài hát của dân tộc, chơi những trò chơi vui nhộn tận hưởng những ngày tháng hòa bình. Dễ dàng nhận thấy lòng yêu nước, tự hào dân tộc của hiện hữu trên từng khuôn mặt rạng ngời. Từng đoàn xe máy, ô tô cầm cờ, hô vang những khẩu hiệu về đất nước.

Những sắc màu Latinh được coi là điểm thu hút khách du lịch đến với quốc gia này. Du nhỏ bé nhưng Timor - Leste có đường bờ biển hơn 730km với những bãi cát hoang sơ cùng hệ động thực vật dưới nước phong phú. Bóng dáng của sự phát triển đang dần hiện hữu trên các đường phố ở Dili. Đường xá sạch sẽ với đầy đủ thiết bị biển báo, đèn tín hiệu, đèn đường cùng lượng ô tô và xe máy khá lớn. Nhiều đại sứ quán của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đã mọc lên sát bờ biển. Một số khách sạn 4 sao như: Novotourist, Hotel Timor và trung tâm thương mại Timor Plaza khá hiện đại khiến diện mạo đô thị khang trang hơn. Sự có mặt của một số ngân hàng lớn như: ANZ, Mandirin...  là minh chứng cho thấy Timor – Leste đang “thay da đổi thịt”. 

Đất nước tiêu tiền “đô”

Anh Maia Souza, một người dân Timor - Leste mặc chiếc áo in hình cờ Việt Nam tại lễ kỷ niệm.

Du khách sẽ nhầm nếu nghĩ rằng Timor – Leste là một nước nghèo thì chi phí sinh hoạt rẻ. Nhập cảnh vào quốc đảo này, du khách sẽ phải nộp khoản phí 30-50USD. Một chuyến taxi trên chiếc ô tô cũ kỹ sẽ phải trả số tiền 5USD cho một quãng đường chỉ 2km. Vào một quán ăn ở Timor Plaza, nếu gọi một đĩa rau xào nhỏ thì giá sẽ là 16 USD.  Lý giải cho những chi phí đắt đỏ đó là do nguồn cung hàng hóa khan hiếm do phải nhập khẩu hoàn toàn. Dù là nước nông nghiệp nhưng Timor - Leste phải nhập khẩu lượng lớn gạo cùng các nhu yếu phẩm khác. Cá và hải sản có giá thành khá cao bởi quốc đảo này chưa có hệ thống đánh bắt xa bờ. Giá tour du lịch ở đây cũng khá “chát” khi nửa ngày đi thăm vài điểm du lịch và bảo tàng quanh Dili có giá 50USD/người và tour ra đảo lặn biển với mức “khủng” 400$/người/ngày. Với những khoản chi tiêu từ 1USD trở lên, Timor – Leste hoàn toàn sử dụng bằng đô la Mỹ. Điều này được chính phủ cho rằng sẽ có lợi khi mà đất nước đang phải nhập khẩu quá nhiều và tránh khỏi những tác động tiêu cực của lạm phát. Vì vậy giá cả tại đây cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Cho đến nay, dù đất nước còn nghèo nhưng người dân Timor – Leste vẫn được miến phí các dịch vụ y tế, giáo dục và một số phúc lợi xã hội khác. Chính phủ chỉ mới thu tiền điện trong thời gian gần đây. Trên đường phố Dili, những tốp học sinh mặc đồng phục rất gọn gàng sạch sẽ tui tươi đến trường phần nào cho thấy quốc gia nghèo này rất ý thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Dù còn chậm phát triển nhưng Dili đã có các trường học quốc tế. Đại học quốc gia của Timor – Leste có 17-20 nghìn sinh viên và ngoài ra còn khoảng 10 nghìn sinh viên đang du học tại nước ngoài. Đối với một quốc gia có hơn 1triệu dân thì đó là nguồn nhân lực lớn, có chất lượng tốt phục vụ phát triển kinh tế. 

Khao khát gia nhập ASEAN

Thủ tướng Timor - Leste Rui Maria de Araujo cho biết: “Gia nhập ASEAN là ước mơ, và chúng tôi sẽ làm mọi điều để điều đó sớm thành hiện thực”. Ngài Thủ tướng tin rằng khi gia nhập ASEAN, quốc gia này sẽ hướng tới sự ổn định về chính trị và an ninh cũng như có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế. Ông khẳng định Timor Leste đã sẵn sàng có những đóng góp tích cực để gia nhập ASEAN. 

Bốc dỡ hàng hóa nhập khẩu tại cảng Dili.

Hiện nguồn thu ngân sách chủ yếu của Timor – Leste là từ việc xuất khẩu dầu thô, nhờ đó đã tạo được sự  ổn định nhưng lại khiến cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng. Để bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, chính phủ buộc phải thực hiện cải cách ở nhiều lĩnh vực: thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính, tạo môi trường tốt hơn cho kinh doanh. Chính phủ chú trọng đa dạng hóa nền kinh tế, tạo thêm công việc cho người dân đồng thời cam kết tập trung phát triển hai ngành du lịch và nông nghiệp. Trong năm vừa qua Timor - Leste đã đạt được nhiều thoả thuận với các nhà đầu tư nước ngoài, một số nhà máy bắt đầu sản xuất trong năm 2016, các công ty du lịch cũng sẽ triển khai tour lớn hơn đến đây. Bộ Tài chính nước này sẽ buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm giảm thiểu những rủi ro khi gia nhập ASEAN. 

Những năm qua, Timor – Leste đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương, thiết lập các mối quan hệ đối ngoại năng động với các nước trong khu vực và xa hơn. Quốc gia này đã nỗ lực có hiệu quả trong xây dựng đất nước, đảm bảo sự ổn định chính trị, cải thiện tốc độ phát triển kinh tế. Việc Timor – Leste đăng cai Diễn đàn nhân dân ASEAN - APF 2016 vào tháng 8 tới đây là một minh chứng cho thấy quốc gia này đang tiến gần hơn tới việc gia nhập ASEAN vào năm 2020. Bộ trưởng Ngoại giao Hernani Coelho da Silva nhận định: Về mặt địa lý, Timor - Leste thuộc về Đông Nam Á nên sẽ thật thiếu sót nếu ASEAN không thể kết nạp đầy đủ các quốc gia và Timor - Leste cũng thực sự muốn gia nhập cộng đồng, nơi mà họ thuộc về. 

Nguồn cảm hứng mang tên Việt Nam

Trong buổi nói chuyện với phóng viên đến từ các nước Đông Nam Á, ngài Thủ tướng Timor – Leste Rui Maria de Araujo nhiều lần nhắc đến Việt Nam như là một đối tác quan trọng. Hiện Việt Nam đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia xuất khẩu vào Timor – Leste với kim ngạch khoảng 34 triệu USD. Hai nước có cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, chế biến, dệt may và điện tử. 

Telemor - một thương hiệu Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường viễn thông tại Timor - Leste.

Người dân Timor – Leste biết đến và yêu mến cái tên Hồ Chí Minh và cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng của Việt Nam đã là niềm cổ vũ cho người dân nơi đây đứng lên giành độc lập. Giờ đây nhắc đến Việt Nam, không ai không biết đến Telemor – một công ty viễn thông của tập đoàn Viettel tại đất nước này. Sự xuất hiện của Telemor đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Thay vì trước đây phải tốn 25 cent cho 1 phút gọi điện thoại thì hiện người dân chỉ phải chi trả trung bình khoảng 1 cent. Nhờ những bước đi đúng hướng, hiện Telemor đang dẫn đầu thị trường viễn thông với hơn 55% thị phần và phủ sóng hơn 96% diện tích của Timor - Leste.  
 
Ở Dili, khi nhắc đến Việt Nam, đông đảo người dân đều bảy tỏ sự thích thú muốn đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để học kinh nghiệm và làm việc. Thoo Jesse, một nhân viên Bộ Ngoại giao cho biết, anh thường xuyên nhờ bạn bè đặt mua những món đồ từ Việt Nam bởi chất lượng luôn tốt hơn các nước khác.  Nhà hàng New Sài Gòn nằm trên bờ biển Dili của một gia đình đến từ thành phố Hồ Chí Minh đang kinh doanh khá phát đạt. Một vài  cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh của người Việt Nam cũng làm ăn tốt. Trong đó có nhiều người đã lấy vợ người bản địa và xây dựng cuộc sống ổn định nơi đây. 

Lâm Khánh (từ Dili, Timor – Leste)
Thành công của Viettel tại Timor Leste: “Telemor – Hetan Diak Liu”
Thành công của Viettel tại Timor Leste: “Telemor – Hetan Diak Liu”

Khi chúng tôi đứng trước showroom Telemor tại thủ đô Dili (Timor Leste), một nhóm học sinh bước ngang qua. Họ nhìn vào và hô to: “Telemor – Hetan Diak Liu”. Nghĩa của câu này là “Telemor – Ngày càng tốt hơn nữa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN