Thụy Sĩ gắn đào tạo với việc làm

Trong khi gần một nửa trong số những người trẻ tuổi ở một số nước châu Âu không thể tìm được việc làm, thì Thụy Sĩ tự hào về một tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên rất thấp. Phải chăng chương trình đào tạo ở Thụy Sĩ đã bảo đảm chỗ làm việc cho gần như tất cả mọi người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Thụy Sĩ chỉ ở mức 3,2%.


Số liệu thống kê cho thấy hơn 24 triệu người ở Liên minh châu Âu (EU) đang thất nghiệp, trong đó gần 5,2 triệu người ở độ tuổi từ 15 - 24. Tỷ lệ thất nghiệp của lớp trẻ tại Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Croatia thực sự đáng lo ngại với mức 50%.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Thụy Sĩ trong tháng 9/2014 là 3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của người nước ngoài là 5,5%, còn tỷ lệ thất nghiệp của người dân Thụy Sĩ chỉ ở mức 2,2%. Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của Thụy Sĩ chỉ ở mức 3,2%, thậm chí ngay cả ở những người không có bằng đại học. Con số này thực sự tương phản với các nước láng giềng châu Âu khác.

Mức đỉnh điểm về thất nghiệp của Thụy Sĩ là trong thập kỷ 1990 vào khoảng 5,7%. Trong nhiều năm liên tục, Thụy Sĩ luôn duy trì một tỷ lệ thất nghiệp thấp. Ngay cả ở thời điểm suy thoái kinh tế ở Khu vực đồng euro - đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ, thì tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm 2007 của Thụy Sĩ cũng chỉ ở mức 2,8%. Cho đến thời điểm hiện nay, Thụy Sĩ vẫn chưa bao giờ phải chia sẻ mối bận tâm về số người thất nghiệp như các nước láng giềng.

 Bên cạnh xương sống của nền kinh tế mạnh, một chương trình học nghề linh hoạt, năng động đảm bảo phù hợp với lực lượng lao động được đào tạo chính xác với những kỹ năng luôn đáp ứng được những nhu cầu thị trường trong quy trình vận động có sự thay đổi.

Từ công nghệ thông tin đến các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, học sinh Thụy Sĩ được tùy chọn để tham gia vào các chương trình học nghề trong 230 ngành nghề khác nhau. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc (tương đương với hết cấp II trung học cơ sở ở Việt Nam), học sinh Thụy Sĩ trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi có thể lựa chọn một nghề thích hợp để sau ba năm học có được chứng chỉ nghề liên bang (CFC), thay vì phải cố sức học vào các trường học Tú tài (tương đương với cấp III trung học phổ thông ở Việt Nam) để tiếp tục học lên đại học, cao học...

Các chương trình hướng nghiệp giúp các học sinh lựa chọn đúng thiên hướng và sở thích đã được đưa vào từ đầu năm cấp II. Giáo viên khuyến khích học sinh học nghề, tiến hành thăm dò để khám phá những lựa chọn khác nhau phù hợp với lợi ích của học sinh, và sau đó học sinh được tham gia vào một đợt kiểm tra thử việc kéo dài khoảng vài tuần.

Ngay cả những học sinh không thể tìm thấy lĩnh vực quan tâm vẫn được khuyến khích tham gia vào một chương trình đào tạo một năm được thiết kế nhằm nâng cao kỹ năng mềm của họ, bao gồm cả các kỹ năng phát triển cá nhân, viết đơn từ hay kỹ năng phỏng vấn.

Gần 2/3 số học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc ở Thụy Sĩ đã tham gia vào các chương trình đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật, kết hợp giữa đào tạo tại lớp học với kinh nghiệm làm việc thực tế đối với nghề mình đang theo học.

Các chương trình dạy nghề ở Thụy Sĩ không có khoảng cách giữa "học" và "hành". Môi trường đào tạo và môn học luôn gắn bó chặt chẽ và cụ thể với những lĩnh vực mà xã hội cần, thậm chí có thể thay đổi hàng năm. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp giữa các điều phối viên chương trình học nghề của các công ty tuyển lao động với cơ sở đào tạo.

Thụy Sĩ không phải là nước duy nhất ở châu Âu cung cấp các chương trình dạy nghề. Đức cũng cung cấp đào tạo trong gần 340 ngành nghề, với các chương trình điển hình kéo dài 24 - 40 tháng. Italy thì cung cấp các chương trình học nghề ở hầu hết các ngành chuyên môn, trong đó bao gồm việc đào tạo bổ sung thêm hai năm sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc. Tại Hy Lạp, các cơ sở công nghiệp địa phương phối hợp cơ quan chính phủ để cung cấp cho thanh niên thất nghiệp được đào tạo để có được giấy chứng nhận trong một số kỹ năng khác nhau.


Tố Uyên

Italy: Thất nghiệp do giáo dục cứng nhắc
Italy: Thất nghiệp do giáo dục cứng nhắc

Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ của Italy một phần là do hệ thống giáo dục cứng nhắc của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN