Thảm họa hôn nhân trao đổi ở Yêmen

Thỏa thuận rất đơn giản: Tôi cưới chị/em anh và anh cưới chị/em tôi. Không cần bàn đến của hồi môn. Tuy nhiên, vấn đề là khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, thì cuộc hôn nhân còn lại cũng không thể tồn tại.


 

Một chú rể Yêmen trong trang phục truyền thống cùng người thân chuẩn bị đi đón dâu.

Sheghar, còn được gọi là hôn nhân trao đổi, là một tập tục diễn ra khá phổ biến ở những khu vực nghèo khó ở Yêmen. Đây không chỉ là việc kết hôn giữa hai người mà còn liên quan đến cả hai gia đình và nó luôn tiềm ẩn một tương lai bất ổn.


Ở một đất nước mà tảo hôn vẫn được duy trì như một phong tục, thì hôn nhân trao đổi cũng diễn ra phổ biến, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, bất chấp việc phần lớn cuộc hôn nhân trao đổi kết thúc trong đổ vỡ.


Các nhà nghiên cứu đạo Hồi đã chỉ ra rằng hôn nhân Sheghar không thuộc Hồi giáo, song rất nhiều tổ chức bảo thủ ở Yêmen tin rằng nó gắn kết các mối quan hệ gia đình và được kế thừa khi phần lớn các cuộc hôn nhân trao đổi diễn ra giữa những người họ hàng thân thuộc.


Ông Ahmed Abdullah, 70 tuổi, coi hôn nhân trao đổi là “điều đáng tiếc” và đau đớn kể lại câu chuyện con trai ông đã không thể giữ được người vợ yêu quý khi chị gái li dị. “Tôi đã đồng ý với người bạn thân của mình về việc sắp đặt hôn nhân cho các con tôi… Sau hai năm, con gái tôi và chồng không thể tiếp tục chung sống”, ông Abdullah kể lại khi cô con gái của ông trở về ngôi nhà của bố mẹ đẻ. Ông cho biết: “Lúc con gái tôi trở về nhà tôi cũng chính là lúc vợ con trai tôi trở về nhà họ. Vấn đề ở đây là con trai tôi vẫn rất yêu vợ. Con trai tôi đã bị tâm thần do những áp lực từ việc nó bị bắt phải li dị vợ”.


Một trong những lý do dẫn đến tình trạng hôn nhân trao đổi diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn là người phụ nữ không có cơ hội học hành, và không thể từ bỏ tư tưởng đàn ông làm chủ gia đình.


Phần lớn những phụ nữ ở Yêmen luôn phải tuân theo lệnh của gia đình vì không muốn đối đầu với cả dòng họ với lối suy nghĩ sẵn sàng hy sinh cuộc sống của người phụ nữ để bảo vệ danh dự gia đình.


Ali và Nasser cưới chị em của nhau. Sau một số năm sinh sống, Ali chia tay với vợ. Song khi chị gái của anh từ chối chia tay với Nasser, thì gia đình cô đã đến phá nhà và bắt Nasser phải li dị. Tranh cãi dẫn đến cuộc xung đột và kết quả là anh rể của Nasser bị mất mạng.


Hôn nhân trao đổi không chỉ diễn ra giữa những người nghèo khổ và thất học, mà cả với những người có học vấn. Mohammed Saeed, 35 tuổi, đã tốt nghiệp đại học cho biết mặc dù anh hiểu rất rõ về mối nguy hiểm của hôn nhân trao đổi, song anh cũng buộc phải chấp nhận nó để chị gái mình có chồng.


Saeed cho biết: “Bố mẹ tôi nhận ra rằng họ không thể ném hai con chim với một hòn đá. Vấn đề này đã khiến tôi đau khổ trong suốt 7 năm và chị gái tôi cũng như vậy. Tôi không thể tiếp tục cuộc hôn nhân của mình nên đã quyết định li dị. Vợ tôi đã mang theo con trai và con gái đi theo. Tôi đã không được gặp các con từ 4 năm nay”.


Sau khi Saeed chia tay với vợ thì chị gái của anh cũng trở về nhà bố mẹ cùng với ba người con.


Nhà xã hội học Amani Maysari cho rằng chính những đòi hỏi quá mức về của hồi môn đã dẫn đến nạn hôn nhân trao đổi. “Sự nghèo khổ cùng với chi phí hôn nhân tăng lên đã đẩy các gia đình phải lựa chọn hôn nhân trao đổi” - bà Maysari nói.


Bộ trưởng quyền con người Yêmen, Huriya Mashhour cũng có chung ý kiến này và nhấn mạnh rằng, nạn nhân chính của hôn nhân trao đổi là những người phụ nữ.

L.H (theo AFP)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN