Sống chung với lụt

Cùng với sự bùng nổ của quá trình đô thị hóa trên toàn cầu, hiện tượng ngập lụt tại các đô thị cũng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đe dọa ngày càng nhiều dân cư đô thị. Chống lụt tại đô thị do đó trở thành vấn đề ngày càng quan trọng đối với mỗi thành phố trong quy hoạch phát triển và sẽ là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại Tuần lễ Nước Quốc tế, diễn ra từ ngày 22 - 26/8 ở Xtốckhôm (Thụy Điển).

Ngập lụt không kiêng nể nước giàu hay nghèo. Những trận lụt lịch sử tại miền bắc nước Anh, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Mumbai (Ấn Độ), New Orleans (Mỹ), Yangon (Mianma), Dresden (Đức) và thủ đô Pari hoa lệ của Pháp... cho thấy lụt lội có thể xảy ra trên diện rộng và nhấn chìm cả những thành phố ở các quốc gia được chuẩn bị tốt nhất. Năm 2010, các hậu quả thảm khốc của trận lụt ở Pakixtan được báo giới thông tin rất nhiều. Đầu năm 2011, chúng ta lại chứng kiến những cảnh lụt lội kinh hoàng tại Queensland (Ôxtrâylia), cũng như các trận lụt và lở đất tàn phá Rio de Janeiro ở Braxin, trong khi Nam Phi và Xri Lanca cũng phải trải qua những trận lụt lớn.

Theo Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học về thiên tai (CRED, có trụ sở tại Bỉ), năm 2010 lụt lội trong thành phố đã ảnh hưởng tới 178 triệu người và là thảm họa xảy ra thường xuyên nhất trong số tất cả các thảm họa thiên tai. Theo thống kê của Cơ quan chiến lược thế giới giảm nhẹ thiên tai thuộc Liên hợp quốc (UN ISDR), trong thế kỷ trước tổng số sự kiện khí tượng thủy văn là 7.486 vụ.

Đường phố New Orleans biến thành sông trong trận lụt năm 2005.


Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của lũ lụt, tiếp đó là châu Phi. Theo số liệu của CRED, trong 30 năm qua, tổng số trận lụt xảy ra ở châu Á chiếm 40% số vụ xảy ra trên toàn thế giới, so với 25% ở châu Mỹ, 17% ở châu Phi, 14% ở châu Âu và 4% ở châu Đại Dương. Quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Ấn Độ, Inđônêxia, Bănglađét, Việt Nam, Thái Lan và Pakixtan. Trong thế kỷ trước, số trận lụt lớn xảy ra ở châu Á ở mức cao nhất, 1.551 vụ, ở châu Phi là 893 vụ, châu Phi 739 vụ, châu Âu 473 vụ và châu Đại Dương 117 vụ.

Nhưng đáng lo ngại hơn là số lượng và mức độ tác động của các trận lụt sẽ ngày càng gia tăng trong 50 năm tới. Có hai lý do để khẳng định điều này. Đầu tiên là xu hướng đô thị hóa: Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng thường dẫn tới việc không có những kế hoạch kỹ lưỡng. Thứ hai là sự thay đổi môi trường, như khí hậu nóng lên, mực nước biển gia tăng và tình hình thời tiết khắc nghiệt… xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Một thực tế khác cũng đáng chú ý là ngày càng có nhiều người bị tác động bởi lụt lội hơn là số người thiệt mạng vì lụt. Trung bình trong ba thập kỷ qua, mỗi năm có hơn 100 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, cao hơn nhiều so với khoảng 4 triệu người/năm trước đó.

Ngập lụt vì đô thị hóa

Một thay đổi lớn trong cách sử dụng đất đai dẫn tới lụt lội là sự mở rộng nhanh chóng của các đô thị. Thay đổi trong sử dụng đất làm gia tăng các mặt bằng không thấm nước, từ đó tăng dòng chảy trên mặt đất và giảm độ thẩm thấu. Trong khi đó, đa phần kênh mương thoát nước tự nhiên thường bị lấp trong quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, những đường cống nhẵn nhụi tạo điều kiện cho dòng chảy nhanh hơn cũng có thể gây lụt cục bộ bất ngờ. Một lượng nước quá lớn được đưa tới hệ thống tiêu thoát trong một thời gian quá ngắn có thể làm vỡ hệ thống. Trong khi đó, các không gian xanh và những con đường mòn chính là những chỗ chứa nước tạm thời khi trời mưa nhờ độ thẩm thấu nước của đất, đồng thời giúp gia tăng dự trữ nước ngầm. Tuy nhiên, các không gian như thế đã bị thay thế bằng các công trình bê tông trong quá trình đô thị hóa.

Người dân Pari trong trận lụt năm 1910.


Xây dựng và phát triển không tính đến nguy cơ ngập lụt và lũ trong tương lai là một vấn đề chung và có thể đặt các cơ quan chính quyền và các quan chức quy hoạch vào thế tiến thoái lưỡng nan. Người ta muốn xây các công trình mới gần các khu đô thị đã có, thường nằm bên cạnh các dòng chảy chính, ven biển hoặc ven sông. Nhưng các công trình được thiết kế không tính đến nguy cơ lũ lụt có thể dẫn tới những nguy hiểm không đáng có đối với đời sống người dân và phá hoại chính các công trình.

Một công trình được thiết kế tốt hoặc các thiết kế cảnh quan hợp lý phải tạo điều kiện dễ dàng cả về cấp và thoát nước, không chỉ bảo vệ tài sản mà còn giúp rút ngắn thời gian sơ tán để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, nếu không có các quy định chặt chẽ, các nhà thiết kế và thi công công trình có xu hướng bỏ qua các thiết kế chống ngập lụt vì lý do chi phí cao và thiếu thực nghiệm. Ở các nước đang phát triển, sự gia tăng đô thị và sức ép xây nhà mới nhanh chóng với những nguồn lực hạn chế khiến thiết kế chống ngập lụt cũng bị bỏ qua.

Nguy hiểm hơn, người dân đôi khi tin tưởng thái quá vào hệ thống cơ sở hạ tầng xung quanh họ do thiếu hiểu biết và mất cảnh giác. Các cơ sở hạ tầng hiện tại có thể tạo cho họ cảm giác yên tâm là đang được bảo vệ, nhưng điều này sẽ không còn đúng trong những tình huống mới, khiến họ trở nên dễ bị tổn thương vì những sự cố bất ngờ. Ví dụ điển hình là trận lụt ở Ba Lan năm 2010, và trận lụt tại Bănglađét năm 1999. Theo WWF, các trận lụt này xuất phát từ sự tin tưởng thái quá của chính quyền và người dân địa phương vào những con đê và đập nước bao quanh thành phố.

Rõ ràng, tác động của lụt lội trong thời gian qua ngày càng lớn hơn và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai gần. Những thay đổi liên quan đến khí hậu gây lụt lội dường như có tác động hạn chế hơn trong những năm gần đây dù rằng về lâu dài, đây sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ngập lụt. Trong thời gian trước mắt, và đặc biệt tại các nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa đang ngày càng đặt nhiều người và nhiều tài sản trước nguy cơ lụt lội. Vì tăng trưởng dân số là một thực tế khó đảo ngược, nên việc xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ cho những cư dân mới buộc phải tính đến biện pháp đáp ứng đòi hỏi về hệ thống tiêu thoát nước, giảm thiểu nguy cơ lụt lội. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp như cung cấp cảnh báo lụt lội và công tác sơ tán người và tài sản.

Bạch Dương

Băng Bắc Cực tan nhanh gấp 4 lần dự báo
Băng Bắc Cực tan nhanh gấp 4 lần dự báo

Các nhà nghiên cứu khoa học Mỹ đã khẳng định, các lớp băng ở Bắc Cực đang mỏng đi với tốc độ nhanh hơn gấp 4 lần so với dự báo của Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN