Số phận đau lòng của trẻ em ngoài giá thú ở Pakistan

Một em bé Pakistan vừa chào đời, y tá trao bé cho mẹ. Bà mẹ ấn ngón tay cái lên cổ đứa con non nớt để cho bé chết ngạt, rồi lạnh lùng bỏ xác vào túi rác. Y tá nhận tiền công. Đây không chỉ là một câu chuyện cá biệt, mà là số phận của cả trăm, cả nghìn bé sơ sinh ở Pakistan - nơi phá thai bị cấm và ngoại tình là phạm pháp.

Razia Zulfikar, nữ y tá làm việc tại một nhà hộ sinh ở thành phố Gujranwala, cho biết hàng trăm trẻ sơ sinh ngoài giá thú bị giết hại như trên ở Pakistan mỗi ngày. Razia kể: “Một cô gái mang bầu 8 tháng mới đến chỗ chúng tôi. Chúng tôi không muốn nhận cô gái này. Sau khi gia đình cô liên tục đề nghị, chúng tôi đành chấp nhận nhưng nói với gia đình rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không giết đứa bé”. Các y tá đã trao đứa bé cho gia đình và chỉ có họ mới biết chuyện gì xảy ra với đứa bé.

Pakistan là một quốc gia đa số là người Hồi giáo với dân số hơn 180 triệu người. Quan hệ trước hôn nhân bị cấm nghiêm ngặt và không được xã hội chấp nhận. Theo luật Hồi giáo, người nào phạm tội gian dâm có thể bị kết án tử hình. Họ hàng của cặp đôi sẽ tự xuống tay với những người ngoại tình. Trong phần lớn trường hợp, chỉ có bà mẹ và đứa trẻ bị giết hại.

Đưa thi thể trẻ sơ sinh vào nhà xác ở Karachi, Pakistan để chôn cất.

Dù sẽ bị luật trừng phạt nghiêm khắc và bị xã hội bêu riếu nhưng nhiều người vẫn tiếp tục dấn thân vào các mối quan hệ ngoài hôn nhân hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Trong thế giới hiện đại của điện thoại di động và phim ảnh phương Tây, thanh niên Pakistan ngày càng trở nên nổi loạn và làm bất kỳ điều gì họ thích. Thông thường, gia đình chỉ biết về mối quan hệ khi cô gái có bầu. Hậu quả của những cái thai ngoài ý muốn là những bi kịch như vừa kể trên.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ giết bỏ trẻ sơ sinh ngày càng tăng ở Pakistan. Thống kê cho thấy cứ 10 bé bị giết thì có tới 9 bé là gái. Nhiều gia đình giết con gái vì không có điều kiện để nuôi dưỡng. Người Pakistan cho rằng cho trẻ em gái ăn học là phí tiền. Khi lớn lên, phụ nữ Pakistan không được phép làm việc mà phải sống phụ thuộc vào gia đình. Lúc lấy chồng, gánh nặng của hồi môn cũng đè nặng lên vai bố mẹ. Do đó, không ai có lý do để giữ một bé gái sinh ra ngoài ý muốn.

Theo tổ chức phúc lợi Pakistan mang tên Edhi, hơn 1.100 trẻ sơ sinh bị giết hại và vứt bỏ trong thùng rác năm 2015. Tổ chức này cho biết mới chỉ thu thập số liệu từ các thành phố lớn. Nếu tính cả các vùng khác, con số còn cao hơn nhiều. Theo tổ chức Edhi, nguyên nhân gốc rễ của thực trạng trên là nghèo đói triền miên, chính phủ không quan tâm nâng cao ý thức cho người dân, không tạo công ăn việc làm và cung cấp những nhu cầu cơ bản nhất. Ở Pakistan, tỷ lệ mù chữ hiện là 40% dân số.

Giết trẻ sơ sinh ở Pakistan là chuyện thường ngày đến mức hầu như không ai chú ý và hiếm khi cảnh sát vào cuộc điều tra. Thiếu nguồn lực khiến cảnh sát chỉ tập trung vào những tội mà họ cho là nghiêm trọng hơn.

Trước thực trạng trẻ sơ sinh bị giết hại ngày càng nhiều, tổ chức Edhi đã khởi động một dự án đặc biệt mang tên Jhoola, có nghĩa là cái nôi trong tiếng Urdu. Tổ chức này khuyến khích mọi người bỏ những đứa trẻ không mong muốn vào nôi thay vì giết hại các em. Họ không yêu cầu người mẹ khai tên tuổi, chỉ cần họ để đứa con muốn bỏ đi vào nôi trong đêm tối. Hiện Edhi có hơn 300 trung tâm khắp cả nước và trung tâm nào cũng có nôi trước cửa. Các bé sẽ được Edhi nuôi dưỡng và tìm bố mẹ nuôi cho chúng.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế khắc phục hậu quả “phần ngọn”. Nhận ra được gốc rễ vấn đề, tổ chức phi lợi nhuận dành cho trẻ em Plan India đã phát động chiến dịch “Let Girls Be Born” (Hãy để các bé gái được chào đời) nhằm thay đổi nhận thức của người dân Pakistan thông qua tuyên truyền trên tivi, báo chí và internet. Chiến dịch này cần phải được thực hiện bền bỉ mới có thể mang lại thay đổi ở Pakistan.

Thùy Dương (Theo DW)
Kinh hoàng bị ép phá thai 7 tháng vì chính sách một con
Kinh hoàng bị ép phá thai 7 tháng vì chính sách một con

Thai phụ kể lại: Khoảng 20 người đã bắt giữ cô và đưa đến bệnh viện. Cô chống cự nhưng bị đánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN