Sinh viên Donetsk gian nan tìm chữ

Inna Shmarai, cô sinh viên kinh tế năm thứ 3 tại Đại học Quốc gia Ukraine ở thành phố miền Đông Donetsk, đang gặp rất nhiều khó khăn để hoàn thành chương trình học tập. Không chỉ là việc các kỳ thi bị trì hoãn mà một số đồ dùng học tập cần thiết trong kỳ học này cũng trở thành vấn đề đau đầu với Shmarai.

Một lo lắng khác đối với cô gái 19 tuổi này đó là kể từ khi trường nằm trong vùng do lực lượng ly khai miền Đông kiểm soát, cô không biết liệu mình có nhận được bằng sau khi tốt nghiệp hay không và chiếc bằng này có giá trị như thế nào. Với một chồng sách ôm trong tay, Shmarai nói: “Phần lớn chúng tôi đều lo lắng về việc hoàn thành các chứng chỉ và bằng cấp vì tình hình chính trị và chiến sự”. Sau đó là những mối lo về các kỳ thi và điểm số trước mắt.

Đó là tình cảnh chung của Shmarai và hàng nghìn sinh viên khác tại vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine, trung tâm của cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay. Về mặt kỹ thuật, đại học nơi Shmarai theo học không mở cửa vì trong bối cảnh chiến sự từ nhiều tháng qua, Đại học Quốc gia Donetsk do chính quyền Kiev điều hành đã chính thức đóng cửa và chuyển khu giảng đường về thị trấn Vinnytsia, cách đó 800 km sâu trong khu vực chính quyền trung ương kiểm soát.

Thành lập năm 1937, Đại học Quốc gia Donetsk là cơ sở đào tạo và khoa học chủ chốt ở miền Đông Ukraine.


Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người trong trường đều chuyển đi theo kế hoạch của chính phủ. Sau khi hiệu trưởng của trường bỏ đi, một hiệu trưởng mới được phe ly khai chấp thuận đã tiếp quản trường và rất nhiều giảng viên cùng sinh viên vẫn đang ở lại.

Giờ đây, trường đại học Donetsk, không được chính quyền Kiev công nhận, đang tiếp tục tổ chức các lớp học và kỳ thi cho sinh viên. “Chúng tôi kêu gọi trường đại học tại Donetsk trở thành một phân nhánh”, Phó hiệu trưởng Alexander Maznev của một viện của chính phủ trước đây và hiện đang đảm nhiệm ghế hiệu trưởng Đại học Quốc gia Donetsk ở thị trấn Vinnytsia nói. “Họ có thể trở thành một thực thể đầy đủ nhưng sẽ không bao giờ là một trường đại học đúng nghĩa”, ông Alexander Maznev nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu các trường đại học ở miền Đông quyết tâm duy trì đào tạo bất chấp việc nếu thiếu sự ủng hộ của chính quyền trung ương, sẽ không có một bằng cấp nào mà họ cấp cho sinh viên được Bộ Giáo dục Ukraine công nhận.

Giới chức ly khai tại đây trấn an các sinh viên cùng phụ huynh rằng tên của trường và tên quốc gia đóng trên các tấm bằng không phải là vấn đề. Họ cũng đồng thời tìm cách thuyết phục Nga công nhận những bằng cấp của các trường mà họ kiểm soát. Bộ trưởng Giáo dục của phe ly khai Igor Kostyenuk cho biết các văn bằng của họ sẽ được chấp nhận ở “không gian Á - Âu”, ý nói tới Nga, Belarus và Kazakhstan. “Tại Nga, họ sẽ chấp nhận khi các giấy tờ chứng minh được đó là giáo dục cao đẳng, đại học”, Igor Kostyenuk nói và với một số sinh viên, đó là tất cả những gì họ cần.

“Tôi biết chính xác bằng cấp mà tôi sẽ được nhận, đó sẽ do Cộng hòa Nhân dân Donetsk cấp và tôi vui mừng được nhận nó”, sinh viên năm thứ nhất ngành lịch sử Igor Makuzin nói khi vừa tan một lớp học về lịch sử Nga. “Tôi không mong muốn làm việc ở nơi nào khác. Tôi muốn ở lại đây và làm việc cho nước Cộng hòa”.

Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên có chung suy nghĩ đó với Makuzin. Một người bạn cùng lớp của anh này, Anastasiya Yermolaeva, lo lắng: “Chúng tôi rõ ràng là có những quan ngại đặc biệt về vấn đề này, mọi người rất căng thẳng. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai và liệu chúng tôi có thể nhận được những tấm bằng đó không”.


Thái Nguyễn(Theo AFP)

Ukraine: Hòa bình vẫn chỉ là giấc mơ xa vời?
Ukraine: Hòa bình vẫn chỉ là giấc mơ xa vời?

Những diễn biến trong mấy ngày đầu năm mới 2015 cho thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ còn tiếp tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN