Singapore đau đầu trước vấn đề nhập cư

Thật khác thường khi một thành phố quốc tế như Singapore lại có vấn đề với khuynh hướng bài ngoại.

 

Đêm 8/12/2013, một cuộc nổi loạn lớn đã nổ ra ở khu Little India khi khoảng 400 thợ xây người Ấn Độ và Bangladesh đập phá chiếc xe bus và xe cứu thương liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến một công nhân Ấn Độ thiệt mạng trước đó. 33 người đã bị buộc tội, trong đó một người Ấn Độ bị kết án 15 năm tù. Đây là cuộc bạo loạn đầu tiên ở Singapore trong 40 năm qua.

 

Một thợ xây người Bangladesh đi ngang qua công trình xây dựng nhà thị chính Singapore.

 


Sự kiện trên không chỉ đã làm dấy lên những nghi ngại của người dân Singapore về các vấn đề mà người nước ngoài có thể gây ra mà còn khẳng định một mối quan tâm chính trị lớn ở quốc gia này. Thủ tướng Lý Hiển Long đã đều đặn đề cập đến vấn đề nhập cư và người lao động nước ngoài trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh từ năm 2009. Trong năm 2012, ông đã công khai cảnh báo người Singapore hãy từ bỏ những biểu hiện chống đối công khai với người nước ngoài.


Nguyên nhân là do quyết định hồi năm 2005 của cựu Phó Thủ tướng Wong Kan Seng, cho phép một cách ồ ạt dòng lao động nước ngoài vào Singapore để ngăn ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế. Vì thế hiện nay, gần 40% trong tổng số 5,3 triệu người ở Singapore là người nước ngoài, nhiều trong số họ không quan tâm xây dựng mối quan hệ gắn bó với đất nước, hoặc không có cơ hội nào ngay cả khi họ quan tâm.


Sau năm 2005, vấn đề bài ngoại bắt đầu được nhắc đến ở “Đảo quốc Sư tử”. Thậm chí, nhập cư trở thành một chủ đề quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Trong bối cảnh đó, nhiều người Singapore không hài lòng với người nước ngoài, nhất là sau sự kiện một nhóm tài xế xe buýt người Trung Quốc đình công vào tháng 11/2012. Nguyên do là tài xế Trung Quốc được trả ít hơn 300 USD/tháng so với các đồng nghiệp quốc tịch Singapore.


Dòng người đổ vào với quy mô lớn tạo ra phản ứng từ người dân địa phương. Một cuộc biểu tình gồm 4.000 người dân bản xứ đã diễn ra vào tháng 2/2013 để phản đối Sách trắng của chính phủ vốn cho phép tăng số người nhập cư. Sách trắng này dự kiến dân số Singapore vào năm 2030 sẽ là 6,9 triệu người, đồng nghĩa với việc một nửa số dân sẽ là người nước ngoài. Kenneth Jeyaretnam, lãnh đạo Đảng Cải cách đối lập, nói: “Sự cạnh tranh từ người nhập cư rõ ràng đã hạ thấp mức lương và làm giảm cơ hội nghề nghiệp cho người Singapore”.


Chính phủ cũng thừa nhận đã không cung cấp được đầy đủ cơ sở hạ tầng hay dịch vụ xã hội cho dòng người lao động nhập cư. Cần nhớ rằng trong khi mục tiêu dân số năm 2010 của chính phủ là 4 triệu dân, thì con số này đã vượt qua mốc 5 triệu vào năm đó. Vì thế ngay cả khi mục tiêu lập kế hoạch cho cơ sở hạ tầng được thực hiện nghiêm túc thì chúng sẽ vẫn phải chịu nhiều sức ép.


Giải pháp hiển nhiên đối với chính phủ Singapore là giảm mạnh số người lao động nước ngoài. Nhưng lại có một rắc rối: Mô hình phát triển của nước này dựa vào việc khai thác lao động nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế của Singapore không phụ thuộc vào việc tăng năng suất của người lao động trong nước. Đây chính là lí do ông Wong Kan Seng cho phép tăng dòng lao động nước ngoài vào Singapore ngay từ đầu.


Chính phủ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài, chẳng hạn như gia tăng các kết cấu đúc sẵn ở nước ngoài trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chính phủ Singapore sẵn sàng tìm kiếm một mô hình phát triển mới để xử lý hoàn toàn vấn đề. Nguyên nhân sâu xa là bản sắc dân tộc. Nó dựa trên nền tảng là những khuôn mẫu sắc tộc và niềm tin vào tính ưu việt của Singapore, đất nước đã thành công trong phát triển kinh tế với một nguồn lực hạn chế, và là một mô hình cho thế giới học hỏi.

 

Trần Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN