Séc sẽ 'trải thảm' mời kiều bào hồi hương

Theo Cục Thống kê Séc, từ tháng 11/1989 đến nay, tức sau khi xảy ra cuộc "cách mạng nhung" cùng với việc mở cửa biên giới, có ít nhất 200.000 người Séc đã ra nước ngoài sinh sống. Con số này không bao gồm người Slovakia mặc dù sự tách đôi của Tiệp Khắc mới diễn ra từ ngày 1/1/1993.

Nhưng 200.000 người chưa phải là tất cả. Trên thế giới có tối thiểu 2,2 triệu người có gốc gác Séc, đó là những người đã rời đất nước từ trước năm 1989 và hậu duệ của họ. Con số này cực kỳ có ý nghĩa đối với một đất nước chỉ có hơn 10,3 triệu dân.

Trẻ em Séc kiều về nước tham dự hội trại hè. Ảnh: Irucz


Theo phóng viên TTXVN tại CH Séc, một hội nghị quốc tế về dự án Re-Turn đã được tổ chức ngày 5/6 tại Praha với sự tham dự của 12 tổ chức và 7 quốc gia. Mục đích của hội nghị là thúc đẩy tiến trình hồi hương Séc kiều.

Ông Tomáš Grulich, Chủ tịch Ủy ban hỗ trợ kiều bào của Thượng nghị viện Séc, cho biết: "Theo kết quả điều tra, khác với người các dân tộc khác, kiều bào Séc rất sẵn lòng hồi hương. Nếu Chính phủ Séc thu hút được Séc kiều trở về thì đất nước được tiếp thêm những nguồn lực tươi mới, trẻ trung và có học thức". Ông nói rằng trong thời gian tới các cơ quan có liên quan ở Séc sẽ đưa ra gói đề xuất đủ để cuốn hút Séc kiều hồi hương.

Đài Radio Praha dẫn nguồn tin của Cục Thống kê, cho biết rằng 60% trong tổng số 200.000 người Séc rời bỏ đất nước sau năm 1989 có bằng đại học và các học vị khác nhau, 70% trong số đó đang ở lứa tuổi sung sức nhất - từ 25 đến 45 tuổi. Séc kiều định cư nhiều nhất tại Mỹ, tiếp đến là Canada, Áo, Đức, Arhentina, Tây Ban Nha...

Trong nhiều diễn đàn trước đây Thượng nghị sĩ Tomáš Grulich đều khẳng định rằng Séc là nước duy nhất ở Trung Âu chưa quan tâm đúng mức đến việc kêu gọi đồng bào ở nước ngoài trở về. Ông khẳng định: "Các quốc gia châu Âu bao quanh Séc và phần lớn các nước trong EU đều có chính sách hồi hương kiều bào, chỉ chúng ta là không. Mới có Bộ Giáo dục, Bộ Lao động và các vấn đề xã hội đã từng thực hiện những bước đi đầu tiên". 

Thượng nghị sĩ Tomáš Grulich tích cực thúc đẩy việc hồi hương Séc kiều. Ảnh: wikimedia


Trong hơn 2 thập kỷ qua một lượng rất lớn người Séc có năng lực đã ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội cho bản thân vì điều kiện ở trong nước không đáp ứng được mong muốn của họ. Điều này gây chảy máu chất xám nặng nề cho CH Séc và Thượng nghị sĩ Grulich mong muốn ngăn chặn tình trạng này. Đối tượng hồi hương chính mà ông nhắm tới là nhóm kiều bào đã rời đất nước sau năm 1989. Họ trẻ về tuổi đời, sung sức, có học vấn và tràn đầy tâm huyết.

Theo Thượng nghị sĩ Tomáš Grulich, Ủy ban hỗ trợ kiều bào trước hết sẽ tìm hiểu xem các kiều bào đang có nhu cầu gì và họ có muốn giữ mối liên hệ với quê hương hay không để đưa ra chính sách thu hút hiệu quả.

Ngòai ra, việc hồi hương không chỉ mang tính cơ học, nghĩa là đưa những con người cụ thể về nước sinh sống, mà còn có khía cạnh tinh thần - nghĩa là làm sao để cho kiều bào cảm nhận rằng xã hội Séc quan tâm đến việc giữ mối liên hệ với đồng bào ở nước ngoài. Điều này dẫn đến các chương trình hợp tác khoa học và giáo dục giữa các trí thức Séc ở trong nước và ở nước ngoài. Như vậy có nghĩa là các kiều bào đã "hồi hương" trong khi vẫn định cư ở nước ngoài.


Trần Quang Vinh



Séc báo động nguy cơ vỡ quỹ lương hưu
Séc báo động nguy cơ vỡ quỹ lương hưu

Tính đến tháng 4/2014 tại Séc có 2,35 triệu người được trợ cấp tuổi già, tăng 6.200 người so với một năm trước. Tổng cộng số người được hưởng trợ cấp tuổi già, tàn tật và trẻ mồ côi là 2,86 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN