Sắp xuất hiện làn sóng dược phẩm mới

Các hãng sản xuất dược phẩm lớn của thế giới đang đổ tiền phát triển một loạt sản phẩm mới điều trị những căn bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch, viêm gan..., động thái khiến giới phân tích dự đoán trên thị trường dược phẩm sẽ xuất hiện các sản phẩm “bom tấn” trong năm nay.


 

2013 được dự đoán là năm thắng lợi với các công ty dược phẩm. Ảnh: Internet

Dự đoán của giới phân tích dựa trên 39 giấy phép lưu hành sản phẩm mới mà các hãng vừa được cấp năm ngoái - một con số cao kỷ lục chỉ kém năm 1996. Góp mặt trong số này là những cái tên quen thuộc như Roche, GlaxoSmithKline, Eli Lilly, Biogen Idec, Gilead Sciencé và Novo Nordisk. Họ đều là những “đại gia” từng kiếm bộn tiền nhờ một số sản phẩm chủ lực nhưng sắp hết hạn khai thác độc quyền trong năm nay.


Hãng nghiên cứu thị trường dược phẩm EvaluatePharma liệt kê trong năm 2013 có tới 120 loại thuốc hết hạn khai thác độc quyền, buộc các nhà sản xuất phải chuyển giao công nghệ cho các công ty khác. Sau vài năm có kết quả kinh doanh nghèo nàn, ngành dược phẩm toàn cầu cần một thời kỳ tăng trưởng mới, và trước mắt họ là một “vách đá” khi các giấy phép khai thác độc quyền hết hạn. Với những khoản đầu tư cho sản phẩm mới, cơ hội để các hãng dược phẩm thoát khỏi thua lỗ và làm ăn có lãi đã trở nên sáng sủa hơn.


Điển hình, tập đoàn dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) được kì vọng sẽ tạo ra nhiều bứt phá trong năm 2013 với việc tung ra thị trường sáu loại thuốc mới, điều trị các bệnh viêm phổi, tiểu đường, ung thư và HIV. Chẳng hạn Darapladib, sản phẩm mới do GlaxoSmithKline điều chế nhằm chống lại các bệnh tim mạch có thể thay thế cho nhóm statin và có thể mang lại 10 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, hãng này còn đang triển khai hai dự án nghiên cứu về bệnh tim và ung thư được đánh giá cao.


Theo ước tính của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), các nhà sản xuất được phẩm châu Âu đã lên kế hoạch tung ra một loạt dược phẩm mới trong giai đoạn 2013-2015, với doanh số hàng năm có thể lên tới 64 tỷ USD. Trong khi thiệt hại do giấy phép độc quyền hết hạn trong giai đoạn này sẽ chỉ khoảng 12 tỷ USD.


Ông Simon Friend, giám đốc phụ trách các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia tại hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers, cho rằng bức tranh đang cải thiện nhưng vẫn còn quá sớm để cho rằng các công ty dược phẩm đã "thoát nạn", nhất là khi các chính phủ và nhà bảo hiểm ngày càng khó tính khi tài trợ cho phát triển các loại thuốc mới.


Tại châu Âu, bên cạnh nỗi ám ảnh của cuộc khủng hoảng đồng euro, áp lực thâm hụt ngân sách tại mỗi quốc gia vẫn còn tiếp diễn và có xu hướng lan rộng. Sự thắt chặt các khoản hỗ trợ vốn và ưu đãi thuế của chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của ngành dược trong những năm tới.


Trong khi đó ở Mỹ, theo đạo luật y tế mới được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn thì bảo hiểm chỉ thanh toán một phần viện phí và thuốc điều trị. Vì vậy người tiêu dùng sẽ tìm mua các loại thuốc giá rẻ thay vì sử dụng các sản phẩm đắt đỏ mà các hãng dược phẩm đang được phép độc quyền sản xuất.


Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại cho rằng, trước triển vọng ngày càng sáng sủa, ngành sản xuất dược phẩm sẽ được giới đầu tư tư nhân “để mắt”. Mới đây, sau khi Johnson&Johnson và Novartis công bố kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu của hai hãng dược phẩm lớn này đã nhanh chóng tăng giá.


Một chuyên gia dược phẩm khác tại Deutsche Bank, ông Richard Parkes nhận định: Mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định sắp tới có phải là cú bứt phá dài hơi của ngành dược phẩm thế giới hay không, nhưng những nỗ lực trong thử nghiệm và nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm sẽ giúp các hãng dược thu về một kết quả xứng đáng.

 

Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN