Rôbốt manơcanh ở Êxtônia

Nhờ có sáng kiến của công ty công nghệ Fits.me tại Êxtônia mà những người yêu thích thời trang và chuộng mua hàng trên mạng tại đất nước này lại có thêm một lý do để ghé thăm các cửa hàng thời trang online và thỏa sức sắm đồ.

 

Rôbốt manơcanh của Fits.me.

Hợp tác với hai trường đại học ở Êxtônia, Fits.me đã tạo ra những rôbốt manơcanh - với số đo ba vòng có thể điều chỉnh được - với mục đích giúp khách hàng mua quần áo trên mạng có thể thử trang phục trên máy tính cá nhân. Theo Fits.me, sáng kiến này nhằm chấm dứt những bất cập của việc mua quần áo trên mạng, đó là việc khách hàng không hài lòng khi nhận được những bộ quần áo lệch size (cỡ) và các shop quần áo online khó chịu khi bị khách hàng trả lại đồ.


“Cách đây vài năm, khi muốn mua quần áo qua mạng, tôi phải mất rất nhiều thời gian để xem xét và ước chừng rằng mình sẽ mặc vừa quần áo cỡ S của hãng Timberland, cỡ M của hai hãng Lacoste và Levi, nhưng với hai hãng Abercrombie và Fitch thì tôi lại phải mặc cỡ XXL”, anh Heikki Haldre, 36 tuổi, người đồng sáng lập Fits.me, tâm sự. Theo Haldre, những rôbốt manơcanh và công nghệ “Phòng Thử quần áo Ảo” (VFR) của Fits.me đã giải quyết được vấn đề chính mà các nhà bán lẻ quần áo online đang phải đối mặt, đó là tình trạng thiếu “một phòng thử đồ”.


Công nghệ VFR cho phép những người mua quần áo qua mạng cung cấp các số đo của cơ thể, rôbốt manơcanh sẽ được điều chỉnh theo các số đo này và mặc bộ trang phục mà người mua lựa chọn. Hình ảnh rôbốt manơcanh, với số đo ba vòng của khách hàng và mang bộ trang phục mà khách hàng muốn mua, sẽ được gửi qua mạng tới khách hàng, từ đó giúp khách hàng có thể lựa chọn chính xác bộ trang phục vừa và phù hợp với mình. Các rôbốt manơcanh, theo Fits.me, có khả năng “biến đổi” theo 100.000 hình dáng cơ thể khác nhau.


Fits.me cho biết, công nghệ VFR đã thu hút được nhiều hãng bán lẻ thời trang online lớn nhất thế giới, trong đó có Otto, Ermenegildo Zegna và Park & Bond. Các cuộc khảo sát của Fits.me cho thấy, doanh số bán hàng của những nhà bán lẻ quần áo online áp dụng công nghệ VFR đã tăng trung bình 57% trong khi lượng hàng hóa mà khách hàng trả lại do không vừa size giảm tới 35%. “Khách hàng phản ứng rất tốt với VFR và trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút thêm được một lượng lớn khách hàng mới nhờ công nghệ này” - chị Nadine Sharara, phụ trách hoạt động bán hàng online của nhà bán lẻ thời trang Thomas Pink, nói.


Ngành bán lẻ thời trang thế giới đang trải qua một thay đổi lớn, khi trung bình sẽ có khoảng 25% cửa hàng quần áo trên phố có nguy cơ phải đóng cửa trong vòng chưa đầy 8 năm tới do bị hoạt động bán hàng trên mạng lấn át - anh Haldre nhận định. Haldre dẫn các cuộc khảo sát quốc tế cho thấy: Trong năm 2000, tại các nước phát triển chỉ có 2% lượng trang phục được mua bán qua mạng nhưng con số này hiện thời là 10 - 13% và ước tính sẽ tăng lên tới 35% vào năm 2020. Điều này hứa hẹn sự phát triển ngày càng lan rộng của công nghệ VFR.


Fits.me cho ra đời VFR vào đầu năm 2011 và ngành công nghiệp thời trang thế giới đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ này. Tạp chí thời trang danh tiếng Vogue đã bầu chọn Fits.me là một trong 100 tên tuổi có uy tín nhất trong ngành Thời trang Online 2012. Không tự bằng lòng với thành tích này, Haldre nói rằng công ty của anh “vẫn còn một con đường dài để đi”, bởi phải mất trung bình 6 - 8 tuần để một hãng bán lẻ thời trang online thích ứng với công nghệ VFR trong khi mong muốn của Fits.me là nhân rộng mô hình VFR tới hàng nghìn nhà bán lẻ thời trang trên thế giới.


Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN