Ringstrasse - Đại lộ đẹp nhất thế giới

Năm nay, thủ đô Vienna sẽ kỉ niệm 150 năm ngày ra đời con đường Ringstrasse, được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới, nơi đã cùng trải qua cả những ngày huy hoàng lẫn đen tối nhất trong lịch sử thành phố này.

Một góc con đường Ringstrasse - đại lộ đẹp nhất thế giới


Vào năm 1857, Hoàng đế Franz Joseph tuyên bố rằng thủ đô Vienna lộng lẫy đang phát triển nhanh chóng cần một sự thay đổi cấp tiến để phù hợp với sự giàu có, uy quyền và sức mạnh đế quốc Áo-Hung. Đến năm 1865, con đường mang tên Ringstrasse chính thức được khánh thành.


Ringstrasse là thành quả sáng tạo của Gottfried Semper, Theophil Hansen và Heinrich von Ferstel - những kiến trúc sư tài ba nhất thời bấy giờ ở Vienna. Con đường dài hơn 5km này được xây dựng trong thời kỳ của chủ nghĩa lịch sử. Lấy cảm hứng từ kiến trúc của các thời đại xưa cũ, các kiến trúc sư đã thỏa sức sáng tạo và thiết kế ra một “hộp sôcôla” với sự pha trộn đầy màu sắc của các tòa nhà, cung điện và bảo tàng mang nhiều phong cách khác nhau.


Nổi bật lên trong số đó là tòa thị chính mang hơi hướng Flemish-Gothic, trường đại học kiểu Phục hưng, nhà hát opera mang âm hưởng lãng mạn, tòa nhà quốc hội tân cổ điển, cùng với bức tượng những người anh hùng Hy Lạp dưới chân nữ thần Diana oai nghiêm.


Ngoài ra, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu khác như nhà hát Burgtheater, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật, cung điện Hofburg và nhà thờ Votivkirche. Tất cả đều mang những phong cách khác nhau, nhưng lại rất hòa hợp với nhau.


Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên


Rainald Franz - một nhà sử học về kiến trúc tại Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng - có chia sẻ rằng đối với ông, đây như là một viện bảo tàng kiến trúc, là thủ phủ mang tính quốc tế. Quả thực, đại lộ này đã trở thành điểm nhấn trong suốt thời kỳ huy hoàng của Vienna. Những quán café ở đây là chốn dừng chân thường xuyên của những nhân vật ưu tú ngày đó như nhà soạn nhạc Gustav Mahler, cha đẻ của môn phân tâm học-Sigmund Freud và họa sĩ Gustav Klimt.


Nằm xen kẽ giữa các tòa nhà công là các cung điện tráng lệ được xây dựng bởi tầng lớp thượng lưu thích hào nhoáng, giàu lên nhanh chóng nhờ quá trình công nghiệp hóa, đa phần là người Do Thái. Mặc dù vậy, người phụ trách triển lãm sắp tới ở đây, bà Gabriele Kohlbauer-Fritz, cho biết sự hào nhoáng này không chỉ dành cho người Do Thái trong thành phố: “Một mặt, chúng ta có con đường Ringstrasse nguy nga này, nhưng đồng thời những người dân cũng đang phải vật lộn với cuộc sống, cho dù họ có là người Do Thái hay không.”


Hầu như từng viên gạch của các công trình ở đây đều được làm tại các nhà máy, nơi mà công nhân chủ yếu là người Séc, làm việc trong điều kiện tồi tệ 15 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần, mà lại chỉ được trả lương bằng tem phiếu chứ không phải tiền mặt.


Con đường từng được ví như một cảnh tượng đầy ma mị trong truyện Nghìn lẻ một đêm.


Một điểm đặc biệt nữa của con đường này chính là nơi đây đã từng giữ chân trùm phát xít Hitler. Hồi còn là thiếu niên, Hitler đã tới Vienna lần đầu tiên vào năm 1906 và bị choáng ngợp bởi Ringstrasse. Kẻ độc tài thậm chí còn ví con đường này như một cảnh tượng đầy ma mị trong truyện Nghìn lẻ một đêm.


Tới đây, rất nhiều cuộc triển lãm sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 150 năm và cũng là để thể hiện tình yêu của du khách cũng như những người đam mê kiến trúc đối với con đường này, một trong những công trình ý nghĩa nhất của thủ đô nước Áo.



Ngân Anh (Theo AFP)

Paris, thành phố của các bảo tàng
Paris, thành phố của các bảo tàng

Pháp không chỉ là kinh đô thời trang hào nhoáng với thứ ngôn ngữ lãng mạn của tình yêu mà còn là điểm đến với sức hút khó cưỡng toát ra từ những bảo tàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN