Quốc gia thông minh - Cứu cánh cho kinh tế Singapore?

Một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ Singapore sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua chính là làm sao duy trì được chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, bởi nền kinh tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á này đang có dấu hiệu giảm tốc.


Làm sao để duy trì vai trò là một trung tâm tài chính hàng đầu của khu vực cũng như thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, trong khi quốc gia này lại khá phụ thuộc vào các ngành dịch vụ, thương mại và vận tải biển sẽ là một bài toán cần giới lãnh đạo giải đáp.

Thách thức tăng trưởng

Rõ ràng, nền kinh tế vốn đã đạt được nhiều thành công của Singapore trong 50 năm qua đang bị thử thách trước nhiều sóng gió. Phát biểu mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh đảo quốc Sư tử này sẽ phải đối mặt với ba thách lớn trong 50 năm tới, đó là tăng trưởng kinh tế, dân số lão hóa và duy trì bản sắc dân tộc. Trong số đó, người đứng đầu chính phủ Singapore nhấn mạnh rằng thách thức ngay trước mắt mà Singapore cần phải giải quyết chính là việc đưa nền kinh tế lên một cấp độ mới bởi nếu không làm như vậy, nước này có thể rơi vào tình trạng bất ổn và lo lắng, thậm chí cả sự "vỡ mộng" vốn đã xảy ra ở nhiều nước phát triển.

Kinh tế Singapore đối mặt với nguy cơ giảm tốc sau 50 năm ngày lập quốc. Ảnh: AP

Sự lo lắng là có thật khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore liên tục giảm sút từ đầu năm đến nay. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy GDP trong quý II/2015 của Singapore đã giảm 4,6% so với quý trước đó và là mức thấp nhất kể từ quý III/2012. Tính chung trong nửa đầu năm 2015, tăng trưởng GDP đạt 2,3% và chỉ nhỉnh hơn mức dự báo thấp nhất của chính phủ đưa ra trước đó (2-4%). Năm 2014, GDP của Singapore tăng trưởng 2,9%. Nếu nhìn vào mức tăng trưởng trung bình của suốt 50 năm qua là 7,5% thì có thể thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. 

Những khó khăn từ nội tại nền kinh tế trong quá trình tái cơ cấu cũng như những tác động của các yếu tố bên ngoài đã khiến cho chính phủ nước này liên tục phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay. Theo dự báo gần đây, nền kinh tế Singapore có thể chỉ đạt tốc độ tăng trưởng từ 2-2,5% trong cả năm 2015.

Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chính phủ áp dụng chính sách hạn chế người lao động nước ngoài trong nhiều năm qua, dẫn đến việc thị trường lao động bị thắt chặt, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu suất kinh tế của Singapore.

Theo BMI Research - một bộ phận của nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Fitch Group, các nhà sản xuất tại Singapore đang phải vật lộn với chính sách thắt chặt tiêu chuẩn thuê nhân công và tăng thuế thu nhập đối với các lao động nước ngoài. Mặt khác, ngành dịch vụ cũng bị ảnh hưởng lớn do các chính sách hạn chế việc tuyển dụng lao động nước ngoài... Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây cũng thừa nhận "nếu đóng cửa với công nhân nước ngoài, nền kinh tế Singapore sẽ lâm vào khủng hoảng."

Và với áp lực phản đối chính sách nhập cư của người dân Singapore, BMI dự đoán tình hình trên sẽ không tự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Trong khi đó, các sáng kiến cải cách kinh tế của Singapore sẽ cần nhiều thời gian để có thể đạt hiệu quả trong bối cảnh nước này từ năm 2010 đã trở nên quá phụ thuộc vào nguồn cung lao động nước ngoài ở mọi trình độ.

Hơn nữa, là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, Singapore cũng đang phải đối mặt với bài toán đầu ra khi thị trường thế giới liên tục sụt giảm cả về giá cả cũng như nhu cầu...

Tiên phong xây dựng quốc gia thông minh

Nhận thức được những thử thách trước mắt, chính phủ Singapore đã chủ trương đi đầu trên thế giới về việc xây dựng Singapore thành một quốc gia thông minh (Smart nation). Đây cũng chính là tầm nhìn dài hạn mà Thủ tướng Lý Hiển Long đặt ra cho Singapore trong giai đoạn phát triển tiếp theo, là điểm nhấn quan trọng và là sự khác biệt để tạo thành công.

Với nền tảng là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, biến công nghệ thành tác nhân quan trọng phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống, chương trình Quốc gia thông minh cùng với sáng kiến quan trọng khác là Kỹ năng cho tương lai (SkillsFuture) được các nhà lãnh đạo Singapore kỳ vọng sẽ là những tác nhân quan trọng giúp Singapore có thể chuyển đổi mô hình kinh tế thành công thành công cũng như định vị được vị trí tiên phong của mình trên bản đồ số hóa của nền kinh tế toàn cầu.

Theo đó, chương trình Quốc gia thông minh của Singapore tập trung vào 3 mục tiêu chính: hỗ trợ người già; cải thiện, nâng cao chất lượng giao thông vận tải và khai phá dữ liệu an ninh, an toàn. Người đứng đầu chính phủ khẳng định ba mục tiêu này có ý nghĩa lớn cả về mặt kinh tế và xã hội bởi Singapore hiện đang trong quá trình già hóa dân số với tỷ lệ 1/9 là người già (trên 65 tuổi). Dự báo sau chỉ 15 năm, tỷ lệ người già sẽ tăng ở mức báo động là 20%, ngang với Nhật Bản. Chính vì vậy, việc tích hợp các giải pháp và công nghệ (máy cảm biến, ứng dụng phần mềm, hệ thống theo dõi, hỗ trợ sức khỏe từ xa…) sẽ góp phần giúp tầng lớp người già ở Singapore có cuộc sống độc lập hơn, ý nghĩa hơn.

Về mặt giao thông vận tải, chương trình sẽ nghiên cứu phát triển công nghệ nhằm cải tiến hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng trong bối cảnh nguồn tài nguyên đất đai của Singapore rất hạn chế. Về mặt dữ liệu, chính phủ Singapore đã và đang xây dựng cổng dữ liệu mở (data.gov.sg). Thông tin được minh bạch hóa tối đa trong phạm vi cho phép để tất cả các tổ chức, cá nhân có thể khai phá dữ liệu để từ đó cộng đồng sáng tạo ra các ý tưởng mới, làm giàu thêm nguồn dữ liệu đã có.

Nhận định về chương trình này, Tiến sĩ Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc bộ phận hợp tác và nghiên cứu của Ngân hàng Sumitomo Mitsui tại Singapore cho rằng đây là một đề án đầy tham vọng nhưng cũng rất có ý nghĩa bởi trong bối cảnh lượng lao động không thể tăng lên mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho các ngành sử dụng nhiều lao động thì rõ ràng chính phủ Singapore buộc phải chuyển hướng sang nền kinh tế mà dựa vào chất xám nhiều hơn là lao động thuần túy.

"Sự chuyển hướng của chính phủ Singapore là đáng hoan nghênh nhưng câu hỏi đặt ra liệu họ có thực hiện được hay không? Tôi cho rằng chính phủ Singapore hoàn toàn có thể làm được bởi họ có tiền, có năng lực, có những con người với đầu óc tổ chức rất tốt và lịch sử đã chứng tỏ được khả năng của họ theo đuổi những dự án tham vọng có thể nói là rất mới mẻ so với thời đại," ông Ngọc nói.

Mỹ Bình (P/v TTXVN tại Singapore)
Nội các mới Singapore tuyên thệ nhậm chức
Nội các mới Singapore tuyên thệ nhậm chức

Tối 1/10, tại Phủ Tổng thống Istana, các thành viên trong nội các mới của Thủ tướng Lý Hiển Long đã tuyên hệ nhậm chức trước Tổng thống Tony Tan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN