Quê nội Kenya háo hức đón Tổng thống Mỹ về thăm

“Đây là một cơ hội kinh doanh”, Hosea Owuor một người bán hàng trên đường phố nói, “Obama là một nhãn hiệu”.

Người đàn ông 30 tuổi này đã đặt làm 400 chiếc áo phông in hình Tổng thống Mỹ Barack Obama đang mỉm cười và hy vọng sẽ kiếm được kha khá tiền bán áo nhân dịp ông chủ Nhà Trắng về thăm quê nội ở một ngôi làng nằm phía tây Kenya trong tháng này. Đây là lần đầu tiên ông về thăm quê nội trên cương vị nguyên thủ nước Mỹ.

Bình thường Owuor kiếm sống bằng nghề bán quần áo cũ, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng và kính râm gọng nhựa của Trung Quốc, nhưng “ông Obama sẽ đem đến cho tôi một kiểu kinh doanh mới”, anh ta nói.

Hosea Owuor và mẫu áo in chân dung Tổng thống Mỹ.


Nhà lãnh đạo Mỹ, có gốc gác từ một ngôi làng châu Phi nhỏ bé đã vươn tới Nhà Trắng, là niềm tự hào lớn của rất nhiều người dân Kenya. Người dân nơi đây háo hức chờ đón để gặp vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, người mà họ yêu quý như con trai.

Tại quê hương Kogelo, ông Manasseh Oyucho, hiệu trưởng trường tiểu học Senator Obama Kogelo đã kể về nhà lãnh đạo Mỹ là “một người con của Kenya, của bộ tộc Luo và của làng Kogelo” như thể ông Obama đã sinh ra và lớn lên tại ngôi làng có 3.000 nhân khẩu này. Người ta đặt tên cho ngôi trường sau chuyến thăm của ông về Kenya năm 2006, khi ông còn là thượng nghị sĩ. Giống với bất cứ ai ở Kogelo, người giáo viên 56 tuổi này đã cảm ơn Tổng thống Obama cho những thay đổi tích cực gần đây.

“Khi ông ấy đắc cử tổng thống là lúc chúng tôi có đường nhựa để đi và nước sạch để uống. Ngôi trường này có 2 phòng học, 1 văn phòng và 1 nhà kho. Chúng tôi còn có 1 đồn cảnh sát. Và những thứ này có được là nhờ ông ấy”, ông Oyucho nói.

Lần đầu tiên, hệ thống đường dây điện được kéo tới làng Kogelo là vài tiếng sau khi ông Obama chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008. Một con đường có vỉa hè cùng với đường ống dẫn nước sạch cũng “kéo đến” không lâu sau đó do sự chú ý “bất thình lình” từ chính phủ Kenya đến ngôi làng nhỏ bé.

“Tổng thống Obama đã thay đổi ngôi làng này”, Nicholas Rajula, chủ của một khách sạn được xây mở rộng để đón du khách tới thăm Obamaland – một tên gọi khác của làng Kogelo.

Rajula tin rằng “ánh sáng” của ngài tổng thống danh tiếng sẽ tiếp tục chiếu rọi lên Kogelo lâu hơn cả nhiệm kỳ của ông. “Mọi người vẫn đến Jerusalem để tận mắt thấy nơi chúa Jesus chào đời. Kogelo cũng vậy, sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ, người ta vẫn sẽ tới đây”.

Thật vậy, Tổng thống Obama là một niềm tự hào và cũng là một nguồn thu đối với rất nhiều người dân Kenya. Còn với dòng họ Obama, ngài tổng thống Mỹ chỉ đơn giản là một người thân trong gia đình. Cha ruột của ngài tổng thống, ông Barack Hussein Obama sinh ra tại làng Kogelo, Kenya. Khi sang Mỹ học tập, ông đã gặp bà Ann Dunham và cậu bé Obama là kết quả tình yêu của họ. Cặp đôi đã sớm chia tay và bà Dunham nuôi đứa trẻ. Lần đầu tiên Obama về thăm quê nội là năm 1988, 6 năm sau khi cha ông qua đời vì tai nạn giao thông.


Ông Obama về thăm gia đình họ nội năm 1988.


Ông Said Obama, 49 tuổi, là anh em cùng cha khác mẹ với ông Barack Hussein Obama. “Tổng thống gọi tôi bằng chú. Tôi gọi nó là Barry. Điều này không có nghĩa là tôi không xem Barry là một tổng thống mà chỉ đơn giản là mối quan hệ của chúng tôi đã bắt đầu từ trước khi Barry đắc cử”, ông Said cười lớn.

Ông Said vẫn nhớ như in lần đầu tiên “Barry” tìm về nguồn cội. “Barry tới làng mà không ai chú ý tới. Chúng tôi tới Nairobi trên những chiếc matatus (xe buýt nhỏ) và tới những nơi như Mathare (một khu ổ chuột), nhảy qua những chiếc cống và chẳng một ai để ý”, ông Said kể lại.

Còn với bà Sarah Obama – người vợ sau của ông nội ngài tổng thống – đã lên kế hoạch đón cháu trai bằng những món ăn truyền thống cho chính tay bà nấu. Ngồi dưới bóng mát của một cây xoài lớn, bà Sarah cho hay cháu trai Obama của bà đang học nói tiếng của bộ tộc Luo. “Tôi sẽ chào hỏi nó và nó sẽ trả lời tôi bằng thứ tiếng nó đã học. Nó sẽ hỏi tôi: 'Idhi nade, dani?'”,  có nghĩa là “Bà có khỏe không bà nội” và “Tôi sẽ nói: 'Adhi maber, nyakwara’, có nghĩa là “Bà khỏe, cháu trai ạ”.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ tới Kenya cuối tháng này để tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp toàn cầu (GES), tuy nhiên không nói rõ ông sẽ về thăm làng Kogelo hay không. Mặc dù vậy, người Kenya vẫn háo hức chuẩn bị mọi thứ chào đón tổng thống, bao gồm việc sửa sang phần mộ của cha ông.

Hoàng Trang (theo AFP)
Ghé thăm quê nội Phi châu của ông Obama
Ghé thăm quê nội Phi châu của ông Obama

Nếu như cách đây 30 năm, ông Obama đến Kenya trong một chuyến bay thương mại mà hành lý của ông đều biến mất thì nay, ông sẽ thoải mái trên chiếc Không lực Một hạ cánh tại quê nội, nơi nhiều đứa trẻ, các con đường và trường học đều mang tên ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN