Quan hệ Mỹ - Mianma sang trang mới

Ngày 19/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Yangun trong chuyến thăm lịch sử tới Mianma, sự kiện báo hiệu một chương mới trong quan hệ hai nước và những cuộc cải cách triệt để tại quốc gia Đông Nam Á này.


 

Tổng thống Mianma, Thein Sein tiếp nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama tại tòa nhà Quốc hội cũ ở Yangun.

 

Với tư cách là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Mianma, ông Obama đã gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Thein Sein và thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi tại Yangun. Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thein Sein tại tòa nhà quốc hội cũ ở Yangun, Tổng thống Obama nói: "Tôi đã chia sẻ (với Tổng thống Thein Sein) rằng đây chỉ là những bước đầu trên chặng đường dài. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng tiến trình cải cách dân chủ và kinh tế tại Mianma, do Tổng thống Thein Sein khởi xướng, có thể dẫn tới những cơ hội phát triển ngoạn mục".


Phát biểu sau cuộc gặp bà Suu Kyi, ông Obama cho rằng ông đã nhận thấy những dấu hiệu tiến bộ ở Mianma trong năm qua, trong đó có việc hủy lệnh quản thúc tại gia đối với vị thủ lĩnh đối lập này và việc bà được bầu vào Quốc hội.


Trong bài phát biểu quan trọng tại trường Đại học tổng hợp Yangun sau đó, Tổng thống Obama nhấn mạnh trước các sinh viên nước chủ nhà: “Trong hơn một năm qua, một cuộc chuyển giao đầy kịch tính đã bắt đầu. Cuộc hành trình rõ ràng chỉ vừa mới khởi đầu và còn phải vượt qua nhiều chặng đường nữa. Hai nước chúng ta từng xa lạ với nhau, nhưng ngày hôm nay, tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi vẫn luôn hy vọng vào người dân đất nước này, vào các bạn”.


Chuyến thăm của ông Obama cũng được coi là sự động viên mạnh mẽ cho Tổng thống Thein Sein, người đang phải đối mặt với sự chỉ trích về những cải cách quá mau lẹ của nước này.


Các quan chức Mỹ cho biết, ông Obama sẽ tuyên bố cam kết viện trợ phát triển 170 triệu USD cho Mianma, trùng với sự kiện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) chính thức khai trương văn phòng ở nước này (USAID đã bị đóng cửa từ vài năm gần đây ở Mianma). Mặt khác, từ tháng 7/2012, chính quyền Tổng thống Obama đã “bật đèn xanh” để các nhà đầu tư Mỹ quay lại thị trường Mianma.


Không phải ngẫu nhiên mà Đông Nam Á được lựa chọn là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama ngay sau khi ông vừa tái đắc cử. Nhận định về chuyến công du 4 ngày này (từ ngày 17 đến 20/11), tờ "Le Figaro" (Pháp) cho rằng rõ ràng, ông Obama muốn tái định hướng các ưu tiên chính trị và kinh tế của Mỹ về phía châu Á, một châu lục ngày càng có tiếng nói quan trọng trên thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm nay và năm tới, ngoại trừ Nhật Bản, tăng trưởng trong khu vực sẽ ở mức trên 6%. Không chỉ thế, 10 nước thành viên khối ASEAN đã nhất trí tăng gấp đôi ngân sách từ 120 tỷ lên 240 tỷ USD để hỗ trợ Mỹ và các nước châu Âu đối phó khủng hoảng trong trường hợp mất khả năng thanh khoản. Giờ đây, nền kinh tế châu Á chiếm tỉ trọng 29% kinh tế thế giới.


Sau hai chặng dừng chân là Thái Lan và Mianma, cùng ngày 19/11, Tổng thống Obama đã tiếp tục đến Campuchia để tham dự các Hội nghị thượng đỉnh EAS và Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra lần lượt trong hai ngày 19 và 20/11.


Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN