'Phong tục Tết Việt Nam - Indonesia có nhiều tương đồng'

Nhân dịp Xuân Ất Mùi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Jakarta về không khí đón Tết cổ truyền của bà con người Việt tại đây, cũng như những nét tương đồng trong phong tục năm mới của hai nước.

Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy cho biết, mặc dù số lượng người Việt Nam đang làm việc, học tập và sinh sống ở Indonesia chỉ khoảng hơn 200 người, song hàng năm Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đều tổ chức Tết Cộng đồng một cách trang trọng và đậm hương vị quê hương. Nằm trong công tác cộng đồng và bảo hộ công dân, hoạt động đón mừng năm mới âm lịch đã khiến trụ sở Đại sứ quán thực sự trở thành “quê hương” cho mỗi người Việt Nam tại Indonesia.

Một góc Thủ đô Jakarta. Ảnh: Internet


Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng coi việc tổ chức Tết Cộng đồng là một hoạt động ngoại giao văn hóa, mời các bạn bè thân thiết trong đoàn ngoại giao và doanh nhân Indonesia cùng tham dự, giới thiệu với quốc tế về văn hóa ẩm thực cũng như phong tục cổ truyền đặc sắc của người Việt.

Theo Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy, là một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo nên hàng năm Indonesia có rất nhiều dịp lễ, tết của các tộc người khác nhau, theo các tín ngưỡng khác nhau. Đáng chú ý và náo nhiệt nhất là 4 dịp Tết theo thứ tự thời gian gồm Tết Dương lịch của chung tất cả mọi tôn giáo, sắc tộc vào ngày 1/1 hàng năm; Tết Âm lịch của người Indonesia gốc Hoa; Tết Depavali của người Indonesia gốc Ấn và theo đạo Hindu và Tết Idul Fitri của người theo đạo Hồi - dịp Tết lớn nhất và được nghỉ dài ngày nhất.

Theo lịch Hồi giáo, thời điểm tổ chức Tết Idul Fitri dao động từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, ngay sau tháng Ramadan. Một nhóm các chức sắc của nhà thờ Hồi giáo sẽ quyết định "Ngày đầu năm" sau khi quan sát mặt trăng ở 3 vị trí khác nhau trên lãnh thổ Indonesia.

Cũng giống như người dân Việt Nam, trong dịp này, mọi tín đồ Hồi giáo đều cố gắng trở về quê hương, gặp gỡ người thân và họ hàng, làm tròn bổn phận của mình trong gia đình. Đây cũng là dịp để mọi người chúc phúc cho nhau và xin tha thứ nếu có lỗi lầm.

Tùy theo khả năng kinh tế và địa vị xã hội, mỗi gia đình Hồi giáo tổ chức ăn tết (Openhouse) long trọng hoặc giản dị để mời người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng đến dự.

Theo đại sứ Nguyễn Xuân Thủy, Việt Nam và Indonesia có rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và phong tục, tập quán. Người dân Indonesia thường coi việc cả hai nước cùng phải trải qua cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài để giành độc lập trong năm 1945 là điểm chung lớn nhất.

Từ sau năm 1955, hai nước cùng là thành viên Phong trào Không liên kết. Sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hai nước đều là thành viên tích cực trong gia đình ASEAN. Đỉnh cao của quan hệ Việt Nam và Indonesia được đánh dấu vào tháng 6/2013 khi hai nước chính thức trở thành đối tác chiến lược.

Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác về chính trị, ngoại giao, xây dựng Cộng đồng Chính trị – An ninh, Việt Nam và Indonesia có tiềm năng để nâng cao hơn nữa hợp tác kinh tế, nhất là về thương mại, du lịch và đầu tư, tham gia tích cực vào Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Từ khi hãng hàng không Vietnam Airlines mở đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh – Jakarta, giao lưu giữa nhân dân hai nước càng được tăng cường, lượng khách du lịch cũng tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán cũng là nền tảng để thúc đẩy hợp tác và giao lưu nhân dân.

Tin Tức/TTXVN
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN