Phố sách - “Trái tim” văn hóa của Bátđa

Người dân ở thủ đô Bátđa của Irắc có một câu nói như thế này: “Người Cairô viết sách. Người Bâyrút in sách. Người Bátđa đọc sách”. Đối với người dân Bátđa, đọc sách, mua sách và thảo luận về sách là những thú vui không thể thiếu.

Một góc phố sách Mutanabi ở Bátđa. Ảnh: Internet


Bạn sẽ thấy điều đó đặc biệt đúng với con phố Mutanabi, một trong những trung tâm bán sách nhộn nhịp nhất ở Bátđa. Con phố sách bắt đầu từ nơi có bức tượng Mutanabi - nhà thơ Bátđa ở thế kỷ thứ 10 và là một trong những ngọn hải đăng của nền văn học Arập - chạy ngang qua nhiều tòa nhà chính phủ ở khu vực Ottoman rồi nhập vào trung tâm khu phố cổ ở Bátđa.

Nhiều thế hệ người dân thủ đô đã quá quen thuộc với con phố này. Sau một thời gian bị gián đoạn bởi một vụ đánh bom xe đẫm máu, khu phố sách này đã mở cửa trở lại, được bảo vệ và an toàn hơn nhiều. Cứ mỗi thứ 6, người ta có thể thấy rất nhiều sinh viên, giáo sư, chuyên gia tập trung tại đây.

Ông Abdul - Wahab Mizher al - Radi, chủ một nhà sách khoa học lớn ở phố Mutanabi, cho biết: “Phố Mutanabi là một địa điểm văn hóa của người Irắc. Đây là nơi giới trí thức của Irắc tìm đến, không chỉ để mua sách mà còn để thăm tượng Mutanabi, gặp gỡ bạn bè vào mỗi dịp cuối tuần”. Theo ông al - Radi, ngành kinh doanh sách ở Irắc đang bùng nổ hơn bao giờ hết khi nhu cầu mua sách của người dân tăng vọt, đặc biệt là sinh viên, trí thức và thanh niên. Thanh niên tìm đến những cuốn sách có nội dung trẻ trung, hiện đại, giới trí thức lùng sách văn hóa, trong khi giáo sư, sinh viên lại thích mua sách tham khảo.

Tại quán cà phê Shabandar – một địa điểm nhiều người lui tới ở cuối con phố, những người cao tuổi đang thư thái hút thuốc, nhấp ngụm nước trà đặc và đọc báo. Anh Hussein Ali Ismail cho biết: “Đây không phải là nơi mà bạn tụ tập mà chính là nơi thu hút bạn đến”. Ở đây, bạn có thể gặp chính người viết bài báo hay chuyên mục nào đó để trò chuyện, trao đổi ý tưởng. Bạn có thể gặp bạn bè hay xem những quyển sách vừa mới xuất bản”.

Nhiều hiệu sách ở phố Mutanabi kiêm luôn nhà xuất bản. Họ có thể in bất kỳ thứ gì mà người đọc muốn mua, từ sách kinh tế, sách tiếng Arập, năng lượng, lịch sử, chính trị đến tâm lý.

Phần lớn sách bán ở Bátđa được viết bởi các tác giả trong khu vực. Nhưng hiện nay, các tác giả Irắc cũng bắt đầu viết sách, đặc biệt là người Irắc sống ở nước ngoài.

Quay trở lại quán cà phê Shabandar, ông Nabeel al - Qaisi, một bác sĩ tim sống ở Ôxtrâylia đang về thăm Irắc, cho biết ông về phố sách để tìm lại mảnh đời của mình khi còn trẻ. Ông tâm sự với phóng viên hãng tin Reuters: “Tôi có cảm giác tôi đang sống ở thủ đô Bátđa xưa cũ như hồi trước, hồi mà mọi thứ còn bình yên”.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN