Phi châu, miền đất hứa của công nghiệp chăm sóc tóc

Với đôi bàn tay thoăn thoắt và kỹ năng điêu luyện, Esther Ogble miệt mài bện những sợi tóc giả cho một nữ khách hàng.

Những thợ làm tóc bận rộn ở chợ Wuse.


Gần đó, 3 cô gái khác đang kiên nhẫn đợi đến lượt để chi 40 USD (tương đương 820.000 đồng) cho vài giờ làm tóc, một khoản không hề nhỏ ở đất nước nơi người dân kiếm được chưa đầy 2 USD/ngày. Điều đặc biệt là “tiệm làm tóc” của Ogble chỉ là một cái dù lớn vươn dài trong chợ Wuse tại thủ đô Abuja của Nigeria.

Tuy thuộc nhóm kinh tế không chính quy nhưng ngành công nghiệp chăm sóc tóc châu Phi đã đoạt doanh thu ở mức nhiều triệu USD và thậm chí tạo ảnh hưởng tới cả Trung Quốc, Ấn Độ và thu hút cả những "ông lớn" mỹ phẩm thế giới như Unilever, L'Oreal.

Chính những người thợ làm tóc như Ogble là hình mẫu điển hình cho thấy nguồn thu nhập đang trên đà tăng và ý thức làm đẹp “góc con người” của lục địa đen.

Blessing James, cô gái 25 tuổi nhăn mặt lại vì đau khi bị Ogble kéo mạnh tóc để gắn thêm một lọn tóc giả, nói: “Tôi cần được bện tóc để trở nên xinh đẹp hơn”. Một ca sĩ Nigeria nổi tiếng gần đây còn gây xôn xao dư luận khi khoe rằng cô đã mở hầu bao chi 500,000 naira (khoảng 65 triệu đồng) cho bộ tóc giả đặc biệt.

Một tiệm làm tóc ở ngoại ô Johannesburg, Nam Phi.


Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International mới đây ước tính các mặt hàng dầu gội, dầu xả và dầu làm thẳng tóc trị giá hơn 1,1 tỉ USD đã được bán tại Nam Phi, Nigeria và Cameroon trong năm 2013.

Con số ấn tượng trên còn chưa phản ánh được thị trường gồm 40 nước ở vùng hạ Sahara, nơi có nhu cầu đặc biệt với việc nối, đan tóc giả là sợi nhân tạo hoặc tóc thật. Tuy nhiên việc theo đuổi công nghệ làm đẹp này không chỉ có ở Nigeria.

Buli Dhlomo, một sinh viên 20 tuổi người Nam Phi với bộ tóc phá cách được nhuộm đỏ điểm khuyết các bím tóc màu vàng, cho biết: “Tôi thấy việc để một kiểu tóc trong thời gian dài thật nhàm chán”. Kế hoạch tiếp theo của cô là cắt tóc ngắn và nhuộm màu “vàng đồng”. Cô sinh viên Dhlomo cho biết cô luôn sẵn sàng chi 4.000 rand (khoảng 7 triệu đồng) cho một lần nối tóc.

Phụ nữ châu Phi rất chuộng những bím tóc giả.



Chính sự "thăng hoa" trong ngành công nghiệp tóc của châu Phi đã tạo ảnh hưởng đến những quốc gia "xa xôi vạn dặm" là Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Á. Hầu hết các sản phẩm tóc giả tại châu Phi đều có xuất xứ từ châu Á với mức giá khá cao bởi nó có tuổi thọ lâu hơn, duy trì được độ ẩm và có thể nhuộm được.


Tại Ấn Độ, nguồn cung cấp tóc giả rất dồi dào, từ các ngôi đền đạo Hindu cho đến những người mua tóc lẻ. Tóc sau đó được thu thập và chuyển đến Trung Quốc nơi tóc được xử lý và xuất khẩu sang châu Phi.

Tóc giả với chủng loại mẫu mã phong phú được bày bán tại Johannesburg, Nam Phi.


Fu Qianwei (36 tuổi), chủ một công ty chuyên xuất khẩu tóc tại Trung Quốc có tên tiếng Anh Anna, hàng năm xuất khẩu khoảng lượng tóc giả trị giá 8 triệu USD, chủ yếu đến Mỹ, nhận định: “Nền kinh tế đang tăng trưởng của châu Phi đang phát triển với nhu cầu về những sản phẩm chất lượng cao”. Khi nói, Qianwei đang đứng cạnh một hộp tóc nối với hình minh họa một cô người mẫu châu Phi đang mỉm cười.

Điều chắc chắn đó là nhu cầu về các sản phẩm làm tóc tại châu Phi, đặc biệt là tóc giả đang ngày càng gia tăng. Josephine Ezeh, một nữ khách đam mê làm tóc tại Nigeria chia sẻ: “Tóc vô cùng, vô cùng quan trọng”.


Hà Linh (Theo Reuters)
Làm tóc kiểu châu Phi hút khách tại Trung Quốc
Làm tóc kiểu châu Phi hút khách tại Trung Quốc

Chủ cửa hàng người Congo cho biết: “Khách hàng đến từ mọi nơi trên khắp Trung Quốc” vì phong cách tết tóc đặc biệt nổi tiếng của người châu Phi.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN