Nông dân làm giàu qua mạng Internet

Cứ đến 5 giờ chiều, các con đường ở Dongfeng, một ngôi làng vốn nghèo khó ở thị trấn Shaji, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.


Nhân viên của hàng chục công ty chuyển phát nhanh hối hả bốc xếp hàng ngàn kiện hàng lên xe tải để chở tới thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, và từ đó phân phối qua đường biển, đường sắt và đường không tới khách hàng trên cả nước.


Công việc kinh doanh trực tuyến đã giúp nhiều người tại đây đổi đời và trở thành triệu phú.

Khi nhắc tới thương mại điện tử (TMĐT), người ta sẽ nghĩ ngay tới các khu đô thị. Tuy nhiên, với số lượng người sử dụng mạng Internet tăng đến chóng mặt tại quốc gia đông dân nhất thế giới này (tính đến tháng 7/2010, Trung Quốc có 420 triệu thuê bao Internet) thì việc kinh doanh trực tuyến không còn là độc quyền của cư dân thành thị nữa.


Ngôi làng Dongfeng đã nhờ công nghệ kết nối toàn cầu mà trở nên giàu có. Hơn 400 hộ gia đình trong tổng số hơn 1.000 hộ trong làng hiện đang quản lý hoạt động kinh doanh của các cửa hàng đồ gia dụng trực tuyến trên trang www.taobao.com, địa chỉ mạng mua sắm và bán đấu giá trực tuyến lớn nhất Trung Quốc.

Nông dân Trung Quốc học các kỹ năng kinh doanh qua mạng Internet. Ảnh: Internet


Sha Qing, 30 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ mang tên Fullhouse Furniture Factory, có tài khoản trên các trang eBay và taobao.com, cho biết công ty của anh có chưa tới 20 nhân viên nhưng có thể kiếm trung bình 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.493 USD) mỗi ngày.


Cũng giống như bao thanh niên từ các vùng quê nghèo của Trung Quốc, Sha Qing đã tới các thành phố lớn làm nhiều nghề khác nhau để tìm kiếm cơ hội làm giàu nhưng cuối cùng đã trở về quê hương và mở một cửa hàng trực tuyến.

Cách nhà Sha Quing không xa, anh Liu Xingqi, 48 tuổi, đang ngồi ở nhà và mặc cả với khách hàng qua mạng. Liu không biết các biểu tượng cảm xúc Pinyin (hệ thống biểu tượng trò chuyện trên mạng khá lãng mạn của Trung Quốc) và cũng chưa hề học đánh máy.


Nhưng việc đó không cản trở anh kinh doanh qua mạng. "Tôi dùng bút viết giấy tờ giao dịch bằng phần mềm nhận dạng chữ viết", anh thổ lộ. Công việc kinh doanh ghế để chân (loại ghế mọi người thường dùng khi thay giày dép) của Liu mang lại cho anh hơn 1.000 NDT, tương đương 149 USD/ngày.

Đó chỉ là hai trong số những “nông dân-doanh nhân” thành công tại ngôi làng Dongfeng. Trước kia, Dongfeng là một ngôi làng nông nghiệp điển hình với các sản phẩm truyền thống là mì sợi và chăn nuôi lợn nhưng không giúp đời sống dân làng bớt khó khăn.


Người có công đưa hoạt động thương mại điện tử về làng là anh Sun Han, sinh năm 1982, với chiếc máy vi tính đầu tiên nối mạng Internet. Tuy nhiên, ai cũng hoài nghi vì thấy anh ta chỉ ngồi nhà lãng phí tiền. Lúc đầu, Sun Han chỉ kinh doanh các mặt hàng nhỏ như dao cạo râu và đèn pin với thu nhập khá khiêm tốn.


Năm 2007, anh đã tới Thượng Hải và thấy mặt hàng đồ gia dụng rất có tiềm năng. Trở về nhà, Sun Han đã thuê thợ mộc sản xuất và bán qua mạng. Tiếng lành đồn xa, mọi người trong làng bắt đầu đến học tập kinh nghiệm làm giàu của Sun Han khi công việc kinh doanh của anh ngày một ăn nên làm ra trong khi anh chẳng có cửa hàng thực sự nào.

Đến nay, thanh niên trong làng không còn phải rời bỏ quê hương tới các thành phố lớn để kiếm việc làm. Họ đã trở thành những ông, bà chủ và thuê nhân công từ các làng lân cận sản xuất đồ gia dụng rồi đem giao dịch qua mạng.


Các ngành kinh doanh đi kèm như các công ty đồ gia dụng, vận tải, các cửa hàng phụ tùng và dịch vụ trực tuyến ở thị trấn Shaji cũng bùng phát như nấm sau mưa, hình thành một chuỗi thương mại điện tử ở một vùng quê vốn mờ nhạt đối với người ngoài.

Sun Han cho biết sẽ mời một số chuyên gia từ công ty taobao.com tới đào tạo kỹ năng marketing cho dân làng. Một hiệp hội TMĐT cũng đã được thành lập tại đây và Sun Han được bầu làm chủ tịch đầu tiên.


Công việc kinh doanh cứ thế phát triển mạnh mẽ hướng tới xây dựng Dongfeng thành một khu vực bán buôn đồ gia dụng. Chính quyền địa phương còn định cho xây một công viên công nghiệp đồ gia dụng rộng 3,3 ha cho các doanh nghiệp lớn.


Đồng thời, bên cạnh việc kinh doanh các mặt hàng đồ gia dụng sản xuất hàng loạt, nhiều nhà thiết kế đã lên kế hoạch cho ra đời những sản phẩm độc đáo mang tính sáng tạo của riêng mình.

Quang Minh (theo THX)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN