Những bà đỡ “mát tay” tại Kenya

Những bà đỡ tại Kenya đang góp phần không nhỏ giảm thiểu tỉ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong sau khi quyết định “mở lòng” với y học hiện đại.

Khi đến tháng thứ 3 của thai kỳ, bà mẹ tương lai Cynthia Salome (24 tuổi) đã có sẵn lựa chọn về bà đỡ sẽ giúp cô vượt cạn. Salome có cảm giác an tâm hơn trong vòng tay của bà Roselinda Akumu - bà đỡ cao niên nhất trong ngôi làng Manyatta tại Kisumu, Kenya. Akumu (78 tuổi) bắt đầu hành nghề từ thập niên 1960 của thế kỷ trước và không còn nhớ nổi chính xác số sản phụ mà bà đã giúp đỡ.

Rồi cơn đau đẻ của Salome bất ngờ ập đến vào một ngày tháng 12, chồng của cô tất tả đưa vợ đến nhà bà đỡ Akumu nơi cô sẽ hạ sinh đứa con đầu lòng. Tuy nhiên bà Akumu đã “kết giao” với bệnh viện gần đó có tên Migosi, do vậy bà đưa ra quyết định rằng thời khắc đã tới và Salome nên nhập viện.

Các bà đỡ luôn đóng vai trò quan trọng đối với các sản phụ ở vùng hẻo lánh Kenya.

Salome kể lại: “Tôi phải trải qua cơn đau trong một thời gian dài và lâm bồn vào buổi sáng ngày thứ ba. Toàn bộ thời gian này bà Akamu luôn ở bên cạnh tôi”. Nay Salomon đang là mẹ của một bé trai 7 tháng tuổi kháu khỉnh.

Maurice Otieno, người chịu trách nhiệm về dịch vụ y tế của Kisumu từng bày tỏ lo lắng về số liệu rằng một phần ba thai phụ tại khu vực này không lựa chọn sinh sản trong bệnh viện. Do vậy Kisumu đang trong giai đoạn đầu “lôi kéo” những bà đỡ địa phương tham gia vào chiến dịch giảm thiểu tỉ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh tử vong.

Các bà đỡ được giảng dạy kỹ lưỡng về mối nguy hiểm của việc không có kỹ năng đỡ đẻ và được giao nhiệm vụ tư vấn các thai phụ tới bệnh viện. Với mỗi trường hợp tư vấn, bà đỡ sẽ được trả 300 shilling (tương đương 3 USD). Các nhân viên y tế tại Kisumu hy vọng rằng động thái mới này sẽ giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em trong khu vực.

Kể từ khi kế hoạch kêu gọi sự ra tay của các bà đỡ được bắt đầu vào năm 2014, số thai phụ sinh con trong các bệnh viện như Migosi đã tăng gấp 3 lần. Trong một ngày bình thường tại bệnh viện Migosi cũng có gần 20 bà mẹ tương lai đến xếp hàng. Bác sĩ Kennedy Ondito phụ trách bệnh viện Migosi chia sẻ rằng việc các bà đỡ đảm nhận cả vai trò nhà tư vấn đã giúp tăng số lượng thai phụ đến các phòng khám.

Ông Ondito tiết lộ rằng trước khi kế hoạch được khởi động, từng có tình trạng trong cả tuần không có một thai phụ nào xuất hiện tại bệnh viện Migosi nhưng hiện tại họ đang tiếp nhận 50 ca đỡ đẻ trong một tháng.

Điều đặc biệt là trong tình huống người mẹ và thai nhi ở trong tình thế nguy hiểm còn bệnh viện lại ở quá xa thì các bà đỡ được khuyến khích tự thực hiện ca đỡ đẻ sau đó nhanh chóng đưa sản phụ tới bệnh viện.

Bà đỡ Akumu bộc bạch: “Kỹ năng của chúng tôi vẫn được công nhận bởi chúng tôi luôn là những người đầu tiên các bà mẹ tìm đến. Tôi vẫn có thể thực hiện được các ca khó nhưng sau đó tôi phải nhanh chóng đưa các bà mẹ tới bệnh viện nơi có trang thiết bị y tế tốt hơn. Ngày nay mọi thứ đã thay đổi”.
Việc đào tạo các bà đỡ cũng đồng thời giúp ngăn tình trạng truyền HIV từ mẹ sang con. Điển hình như hàng xóm của Akumu, cô Phoebe Awino (20 tuổi) - người dương tính với HIV.

Chính bà Akumu đã khuyên Awino tới bệnh viện khi cô bị đau bụng ở thời kỳ mang thai. Awino tới phòng khám và nhận được kết quả cô đã nhiễm HIV. Bà Akumu đã chân thành khuyên Awino về tầm quan trọng của việc sinh sản trong bệnh viện để không truyền virus tới đứa trẻ. Sau này Awino tâm sự: “Tôi đã rất vui khi biết rằng con tôi âm tính với HIV. Tôi nhận ra rằng sinh con trong bệnh viện là quyết định sáng suốt, đặc biệt là với tình trạng của tôi”.


Theo bản báo cáo năm 2014 của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mỗi năm tại Kenya trong 100.000 ca sinh có tới 488 bà mẹ tử vong. Trong khi đó, tại Đức con số này là 6 bà mẹ tử vong/100.000 ca sinh. Kisumu được biết đến là một trong những vùng có tỉ lệ sản phụ tử vong cao nhất tại Kenya. Còn ở những vùng xa xôi và nghèo khó như Garissa và Mandera thì tỉ lệ đó thậm chí còn cao hơn.


Hà Linh (Theo Reuters)
“Bà đỡ” của đồng bào nghèo
“Bà đỡ” của đồng bào nghèo

Với địa bàn miền núi khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao, không có nhiều hộ đủ điều kiện về vốn để phát triển sản xuất, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một khoản vay kịp thời giúp nhiều hộ vươn lên khá giả”, ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Tè, Lai Châu cho hay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN