Nhà hàng Brazil tái chế rác thải thành phân bón

Các nhà hàng ở thành phố Sao Paulo, Brazil đang nỗ lực bảo vệ hành tinh bằng những hành động thiết thực: Tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón dành cho rau củ trồng tại những khu vườn trong thành phố.

Fernanda Danelon, một nhà báo 43 tuổi, đã bỏ nghề cách đây hai năm để khởi động Viện Guandu - một tổ chức chuyên tái chế rác thải thực phẩm của các nhà hàng và giúp các nhà hàng làm một khu vườn để sử dụng các loại rác này làm phân trộn.

Theo Hiệp hội Công ty Vệ sinh công cộng Brazil (ABRELPE), các thành phố Brazil vứt đi hơn 75 triệu tấn rác mỗi năm. Khoảng một nửa trong số đó là rác thải hữu cơ. Hiện không có chương trình nào cấp thành phố để tái chế hoặc biến rác hữu cơ thành phân bón và việc tái chế rác vẫn là một khái niệm xa lạ với hầu hết người Brazil. Theo ABRELPE, Brazil chỉ tái chế khoảng 3% rác thải.

Danelon bên vườn rau xanh tốt nhờ phân bón làm từ rác hữu cơ. Ảnh: AFP

Để lấp khoảng trống này, Danelon đã quyết định thay các nhà hàng ở Sao Paulo làm công việc tái chế rác. Nhân viên trong tổ chức của cô tới tận các nhà hàng để thu gom rác thải thực phẩm, biến chúng thành phân bón trong vòng 3 đến 4 tháng. Sau đó, họ đưa số phân bón này trở lại các nhà hàng để họ bón cho các loại cây trong vườn của nhà hàng. Các loại cây trong khu vườn này cũng do chính tổ chức của Danelon trồng và chăm bón.

Lúc đầu, Danelon chỉ bắt đầu với một nhà hàng. Giờ đây, số nhà hàng trong chương trình đã là 17 và cô đang thương thảo với 10 nhà hàng nữa. Cô cho biết: “Lúc đầu, tôi tự mình thu rác bằng ô tô riêng. Nhưng giờ chúng tôi đã phát triển và chúng tôi tái chế từ 30 đến 40 tấn rác hữu cơ mỗi tháng”.

Trong số các đối tác của Danelon có cả nhà hàng Pháp Le Bilboquet ở khu vực trung tâm Jardins. Với sự giúp đỡ của Danelon, nhà hàng này giờ đã có cà chua bi, chanh và cây oải hương trồng trên nóc. Đầu bếp người Pháp của nhà hàng là Julien Mercier đã ký kết tham gia chương trình của Danelon cách đây 6 tháng. Anh cho phóng viên hãng AFP biết: “Những gì chúng tôi trồng ở đây không đủ để cung cấp cho cả nhà hàng. Nhưng điều quan trọng là để hiểu rằng chúng tôi là một phần của quy trình tái chế... Chúng tôi cũng có thể tự hào rằng chúng tôi tái chế một tấn rưỡi rác hữu cơ mỗi tháng”.

Rác hữu cơ được làm thành phân trộn tại một cơ sở cách thành phố Sao Paulo khoảng 50 km. Tại đây, rác hữu cơ được trộn với đất và để cho phân hủy theo cơ chế sinh học trong nhiều tháng. Đây là kỹ thuật làm phân bón truyền thống không cần enzyme hay giun để đẩy nhanh quá trình. Chỉ cần một chút kiên nhẫn, tất cả rác hữu cơ sẽ biến thành một loại phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng.

Mỗi nhà hàng trung bình 50 bàn ăn trả 275 USD/tháng cho dịch vụ làm phân bón và làm vườn, tương đương chi phí thu gom rác của thành phố. Danelon cho biết: “Chúng tôi phải trực tiếp nhìn rác thải hữu cơ, đánh giá xem nó có thể được tái sử dụng hay không”.

Danelon còn cung cấp bộ dụng cụ hỗ trợ cho người muốn tự làm phân bón tại nhà. Ngày càng nhiều người liên hệ với Danelon để hỏi kinh nghiệm làm một khu vườn trên nóc tòa nhà.

Tại nhà hàng Mesa III trong khu vực dành cho tầng lớp lao động, khách hàng nhìn thấy ngay các luống húng quế, ngải đắng và hương thảo trước khi vào nhà hàng. Các loại rau này được trồng từ khi nhân viên nhà hàng được Viện Guandu của cô Danelon huấn luyện. Nhà hàng Mesa III còn lắp đặt một hệ thống tái chế thủy tinh và chuyển sang dùng hộp đựng bằng bìa các tông để đựng thức ăn cho khách mua về thay vì dùng hộp nhựa như trước đây.

Chủ nhà hàng, bà Ana Soares 63 tuổi, cho biết: “Nếu xã hội chúng ta nhận ra mình thải ra nhiều rác như thế nào thì chúng ta sẽ thấy việc đó thật tồi tệ. Đó là lý do tại sao chúng tôi tham gia dự án tuyệt vời này”.
Thùy Dương
Tái chế rác thải, nguồn lợi còn bỏ ngỏ
Tái chế rác thải, nguồn lợi còn bỏ ngỏ

Tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là xu hướng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN