Ngôi làng “bán thận” ở Nepal

Bạn có tin hay không? Làng Hokse - nằm cách Kathmandu (Nepal) khoảng 20km - còn được gọi là “làng thận” vì đa số những người dân ở đây đều đã bán một quả thận của mình để trang trải cuộc sống.

Những kẻ môi giới mua bán nội tạng thường xuyên lui tới ngôi làng Hokse và các vùng lận cận để dụ dỗ người dân nghèo theo chúng tới các bệnh viện chui ở Ấn Độ làm phẫu thuật để đổi một quả thận khỏe mạnh lấy một món tiền. Những kẻ này đã thêu dệt đủ các câu chuyện để “mị dân” rằng người ta vẫn sống tốt với một quả thận hay thậm chí là quả thận cắt đi còn có thể…  mọc lại.

Trong số các nạn nhân của những kẻ buôn bán nội tạng đầy thủ đoạn phải kể đến bà mẹ bốn con có tên Geetha. Người phụ nữ 37 tuổi này đã bị chính chị dâu dẫn sang Ấn Độ bán thận chỉ với giá 2.000 USD (khoảng 40 triệu đồng). Geetha chia sẻ: “Trong suốt 10 năm qua, người ta tới đây để thuyết phục chúng tôi bán thận nhưng tôi luôn trả lời là ‘không’”. Thế nhưng khi những đứa con lớn lên, Geetha lại khao khát có một ngôi nhà kiên cố cùng một mảnh đất để chăn nuôi. Vì vậy cô đã đồng ý theo người chị dâu đi bán thận.

Cô Geetha đã đổi một quả thận lấy một ngôi nhà rộng hơn cho 4 đứa con. Nhưng trận động đất hồi tháng 4 đã cướp mất ngôi nhà này.


Cuộc phẫu thuật kéo dài chỉ vẻn vẹn trong nửa tiếng đồng hồ nhưng Geetha phải nằm lại bệnh viện khoảng 3 tuần. “Tôi thức dậy mà không hề cảm thấy mình đã trải qua một ca phẫu thuật. Sau đó tôi nhận được 2.000 USD rồi quay trở về quê, mua một căn nhà và vài miếng đất”, cô kể lại.

Thật không may, ngôi nhà mà Geetha đã đánh đổi bằng một quả thận đã bị san phẳng trong trận động đất kinh hoàng ngày 25/4 vừa qua. Ngoài việc cướp đi hơn 9.000 sinh mạng và gần 500.000 ngôi nhà, thảm họa này để lại những nỗi đau thương vô hạn trong lòng những người sống sót, những người đã trắng tay sau một trận địa chấn mạnh 7,8 độ richter.

Trong tình cảnh khốn khó như vậy, các đường dây buôn bán nội tạng lại được cơ hội mọc lên như nấm sau mưa, biến đất nước này trở thành một dạng “ngân hàng thận”. Mặc dù diễn ra lén lút nhưng theo một bản báo cáo của Tổ chức Liêm chính Toàn cầu (GIF), một năm trên thế giới có tới 10.000 ca phẫu thuật lấy nội tạng trái phép, trong đó có 7.000 ca lấy thận. Ước tính những đường dây này đã kiếm được hơn 1 tỷ USD từ thân xác của người vô tội.

Không phải đối tượng mua bán nội tạng nào cũng đủ tử tế để thuyết phục bằng được người dân nghe theo họ. Rất nhiều người đã bị bắt cóc rồi sau đó bị ép phải phẫu thuật cắt một phần nội tạng khỏe mạnh. Hoặc họ bị chúng lừa rằng đã mắc phải một loại bệnh cần phải phẫu thuật và đánh cắp một quả thận mà nạn nhân không hề hay biết. Còn có những nạn nhân đã bị bọn gian ác sát hại thẳng tay để lấy cả hai quả thận. Số thận “thu hoạch được” sau đó sẽ được bán cho các bệnh nhân giàu có với giá gấp ít nhất 6 lần số tiền mà người bán thận được trả.

Năm 2014, tờ tạp chí TIME đã đưa tin về trường hợp của Kenam Tamang, người đàn ông bị chính con rể của mình lừa gạt. Hắn đã hứa tìm cho ông Tamang một công việc khá hơn ở Chennai, Ấn Độ, nhưng khi họ tới đó, màn kịch được soạn trước mới được vén màn. “Tôi bị áp giải tới bệnh viện nơi họ đang chuẩn bị mổ lấy thận của tôi. Con rể nói tôi sẽ được trả một khoản tiền hậu hĩnh mà không bị tổn hại đến sức khỏe. Nó thậm chí còn bảo quả thận sẽ mọc lại”, ông Tamang nói.


Vết sẹo do phẫu thuật để lại trên thân thể của những người đàn ông làng Hokse.


Hay như câu chuyện đáng sợ nhưng khá phổ biến của Ganesh Bahadur Damai, một nạn nhân “bị cướp thận”. Damai đến Ấn Độ để tìm việc làm. Một hôm, ông được một nhóm người lạ chuốc rượu đến say khướt. “Tôi bị tiêm một thứ chất gì đó và trở nên bất tỉnh trong một ngày. Khi thức dậy, tôi nằm trên giường bệnh và người ta đã lấy mất một quả thận của tôi”. Ba tháng sau đó, Damai nhận được 150 USD và được đưa về quê hương, nơi ông dùng số tiền này để mua một mảnh đất nhỏ.

Theo luật sư Laxman Lamichhane tại Diễn đàn bảo vệ nhân quyền Nepal (PPR Nepal), người dân nước này đang cảm thấy bất an và sợ hãi ngay tại chính nơi mình sinh sống mặc dù đã được các lực lượng an ninh bảo vệ. Các nạn nhân của đường dây buôn bán nội tạng khi trở về quê hương thường trở thành tâm điểm của những cuộc bàn tán của người dân trong làng. Họ bị xa lánh, dè bỉu, trong khi con cái của họ cũng bị tẩy chay tại trường học.

Từ năm 2007, chính phủ Nepal đã ban hành một đạo luật cấm người dân tham gia buôn bán nội tạng. Người cố tình vi phạm sẽ đối mặt với án tù 10 năm và phải nộp phạt từ 2.000 – 5.000 USD.

Hoàng Trang
Chuyện làng bắt... sương ở Maroc
Chuyện làng bắt... sương ở Maroc

Nhờ thứ công nghệ xanh bẫy sương, biến sương núi thành nước sinh hoạt tại nhà, những người phụ nữ tại một ngôi làng ở tây nam Maroc đã có thể chấm dứt chuỗi ngày cuốc bộ đường trường đi múc nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN