Ngày đen tối của thương hiệu 'Made in Germany'

Tờ "Bild" của Đức ngày 15/4 đã "giật tít" như trên khi đưa tin về quy định gắn nhãn mác hàng xuất xứ được Nghị viện châu Âu thông qua cùng ngày. Cho tới nay, quy định về gắn nhãn mác hàng hóa trong EU vẫn tự do và chưa bắt buộc. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu tiếp tục được các nước EU ủng hộ thì quy định trên sẽ được thông qua thành luật và áp dụng bắt buộc đối với các tất cả các hàng hoá, trừ thực phẩm, trong EU.


Với quy định mới, các hàng hoá dù được phát triển ở Đức, song đóng gói và hoàn tất ở nước ngoài thì sẽ được ghi tên nước đó. Ví dụ, công nghệ và vật liệu từ Đức, song nếu Việt Nam là "cửa" đóng gói cuối cùng thì hàng đó sẽ được đóng triện là "Made in Vietnam", cùng với đó là vô số các giải thích, hướng dẫn trong catalog. Theo Uỷ ban châu Âu, quy định trên sẽ giúp chống lại các sản phẩm giả, trong khi người tiêu dùng cũng như nhà kiểm soát có thể nhanh chóng truy ngược trở lại chuỗi cung hàng. Quy định mới cũng sẽ buộc các nước thành viên EU phải có quy định chung về xuất xứ nguồn gốc hàng nhập khẩu.


Trong khi nhiều nước Nam Âu cổ súy cho những quy định mới nêu trên thì nhiều nước châu Âu khác, đáng kể nhất là Đức và Anh, lại cương quyết phản đối quy định mới này. Việc áp đặt "Made in Germany" có thể gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp cũng như vô số các sản phẩm đã rất có tên tuổi của nước này, bởi cho tới nay, rất nhiều sản phẩm được lắp ráp, đóng gói và hoàn tất ở nước ngoài, song vẫn được gắn thương hiệu "Made in Germany".


Thương hiệu "Made in Germany" được nhiều người mến mộ. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN


Ông Andreas Schwab - Nghị sĩ đảng bảo thủ Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) trong Nghị viện châu Âu trấn an các danh nghiệp rằng dự luật này sẽ không bao giờ có thể trở thành luật, bởi còn cần phải "qua cửa" các nước và hiện đã có tới 16 nước chống lại đề xuất này. Ông Schwab cũng khuyến cáo Nghị viện châu Âu rút lại đề xuất của mình. Trong khi đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cũng chỉ trích đề xuất này là không cần thiết, bởi với quy định hiện hành, các sản phẩm nguy hiểm đã có trể truy hồi nhanh chóng thông qua các thông tin của nhà nhập khẩu và nhà sản xuất. DIHK cũng cho rằng quy định mới chỉ gây tốn kém thêm cho các doanh nghiệp.


Quy định ghi nguồn gốc xuất xứ "Made in... " đầu tiên ra đời theo sáng kiến của Anh từ thế kỷ 19. Thời đó, để bảo vệ nền kinh tế của mình tránh bị người Đức cạnh tranh bằng cách "copy" những thương hiệu nổi tiếng, năm 1887, Anh đã quy định gắn nhãn mác xuất xứ sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng phân biệt hàng nào là nhập khẩu và hàng nào được sản xuất trong nước. Chính quy định này đã góp phần mang lại tên tuổi nếu xét về chất lượng và độ bền của hàng "Made in Germany" ngày nay. Thậm chí, nhiều hàng xuất khẩu sang các nước không yêu cầu ghi nhãn mác xuất xứ, các doanh nghiệp Đức vẫn triện "Made in Germany" vào sản phẩm của mình, bởi giờ đây "Made in Germany" đã trở thành thương hiện tin cậy trên toàn thế giới.

 


Mạnh Hùng

Ủy ban điều tra NSA của Đức chỉ là "hổ không răng"?
Ủy ban điều tra NSA của Đức chỉ là "hổ không răng"?

Chưa đầy một tháng sau khi được thành lập và chỉ vài ngày sau phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban Điều tra hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Quốc hội Đức, ông Clemens Binninger, đã quyết định từ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN