Ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật tại Hàn Quốc đi đến hồi kết

Chương trình triệt sản toàn bộ các cá thể gấu nuôi nhốt do Chính phủ nước này tài trợ vừa qua là một bước tiến quan trọng nhằm xóa sổ tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Hàn Quốc.

Mục tiêu của chương trình là ngăn chặn gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật và hi vọng những cá thể gấu hiện đang bị nuôi nhốt ở các trang trại là những nạn nhân cuối cùng của tình trạng này.

Bước tiến quan trọng này đạt được là nhờ những nỗ lực của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, một tổ chức phi chính phủ về phúc lợi động vật toàn cầu và Hiệp hội vì một Hàn Quốc Xanh (Green Korea United-GKU) trong việc vận động Chính phủ Hàn Quốc và các chủ nuôi nhốt gấu trong suốt 14 năm qua. Từ năm 2003, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đã phối hợp với GKU huy động sự tham gia của người dân Hàn Quốc để vận động bảo vệ gấu tốt hơn tại quốc gia này.

Gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại các trại gấu.

Năm 2014, Chính phủ Hàn Quốc và Hiệp hội chủ gấu Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận quan trọng. Theo đó, một kế hoạch từng bước chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã được vạch ra với sự tham gia tự nguyện của các chủ nuôi nhốt gấu. Mấu chốt của kế hoạch này là chương trình khuyến khích chủ gấu triệt sản cho gấu để đảm bảo không có gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu. Chương trình này đã được hoàn thành vào đầu năm 2017.

Ông Gilbert Sape, Trưởng Bộ phận Gấu và Thuốc cổ truyền thuộc Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới cho biết “Điều này có ý nghĩa lớn trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, cũng gửi một thông điệp rõ ràng đến chính phủ các nước khác, khuyến khích họ không tiếp tục hỗ trợ những hoạt động kinh doanh từ việc hành hạ động vật”.
 
Thành công của Hàn Quốc cũng là một áp lực lớn đối với các quốc gia Châu Á khác, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay có rất nhiều phương pháp nhân văn có thể dùng để thay thế mật gấu nên không có lý do gì để kéo dài tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật này.

Hiện nay, Châu Á có hơn 20,000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt để khai thác mật và túi mật nhằm phục vụ nhiều mục đích nhưng chủ yếu là để làm thuốc cổ truyền. Trung Quốc hiện được coi là thị trường sản xuất và tiêu thụ mật gấu và túi mật lớn nhất thế giới.

Trong một tài liệu mới công bố, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và GKU đã vạch ra một kế hoạch đề xuất Chính phủ các nước chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật. Tài liệu này cũng tổng kết kinh nghiệm 14 năm vận động triệt sản cho gấu cũng như từng bước chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Hàn Quốc.


Việc hoàn thành chương trình triệt sản gấu cũng đánh dấu bước ngoặt then chốt của hoạt động  nuôi nhốt gấu lấy mật đang ngày càng bị lên án mạnh mẽ tại Hàn Quốc.

Joseon Bae, Giám đốc Chương trình Bảo tồn Sinh thái của Hiệp hội vì một Hàn Quốc Xanh (GKU) cũng nhấn mạnh, chương trình triệt sản gấu đánh dấu một bước ngoặt quan trọng tại Hàn Quốc. Đây là một ví dụ điển hình về nỗ lực chung của cộng đồng và các tổ chức trong vận động thay đổi chính sách của Nhà nước, tạo nên sự thay đổi thực sự và lâu dài để bảo vệ động vật.

“Tuy nhiên, một khi pháp luật vẫn cho phép nuôi và giết gấu lấy mật thì chúng ta vẫn cần tiếp tục nỗ lực hành động. Cần phải đảm bảo việc giám sát, tiếp nối những kết quả đã đạt được của chương trình triệt sản gấu cũng như đảm bảo không có gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật”, ông Joseon Bae cho biết.

Thu Trang/Báo Tin tức
Video cảm động về cuộc đời tù ngục của chú gấu bị nuôi để lấy mật
Video cảm động về cuộc đời tù ngục của chú gấu bị nuôi để lấy mật

Ngày 27/4, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) mới ra mắt phim ngắn kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng mật gấu, góp phần chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN