Ngân hàng của trẻ em nghèo Ấn Độ

Số tiền mà Ram Singh thu được từ 100 tách trà em bán mỗi ngày bên ngoài nhà ga xe lửa ở thủ đô Niu Đêli (Ấn Độ) chỉ tương đương 1 USD (hơn 20.000 đồng). Nhưng mỗi tối, sau khi đã xong xuôi công việc bán nước trà, em lại tới ngân hàng đặc biệt để gửi gần một nửa số tiền kiếm được.


 

Giao dịch tại một ngân hàng dành cho trẻ em ở Niu Đêli.

 

Gọi là ngân hàng đặc biệt bởi phần lớn khách hàng của ngân hàng này là trẻ em đường phố. Nó còn đặc biệt ở chỗ chấp nhận những khoản tiền gửi ít ỏi nhằm tạo cho các em ý thức rằng tiết kiệm dù ít hay nhiều đều rất quan trọng.


Singh là một trong hàng triệu trẻ em đường phố Ấn Độ đang mưu sinh bằng công việc có thu nhập bèo bọt. Mặc dù vậy, những đứa trẻ như em vẫn tràn đầy niềm tin tưởng rằng những đồng rupee mà chúng gom góp được ngày hôm nay sẽ giúp chúng thay đổi cuộc đời.


"Em là người nhanh trí nhưng chỉ điều đó thôi chưa đủ để khởi nghiệp", Singh nói. "Bởi thế mà em đang tiết kiệm tiền mỗi ngày với hy vọng sẽ làm được điều gì đó cho riêng mình trong tương lai".


Sáng kiến Quỹ Phát triển Trẻ em được khởi động từ năm 2001 tại thủ đô Niu Đêli và sau đó được nhân rộng với 300 chi nhánh ở Ấn Độ, Nêpan, Bănglađét, Ápganixtan, Xri Lanca và Cưrơgưxtan. Riêng tại Niu Đêli có 12 chi nhánh với khoảng 1.000 khách hàng “nhí” tuổi từ 9 đến 17.


Các quầy thu ngân của quỹ được sơn màu tươi sáng và đặt ngay trong các khu nhà trọ nơi trẻ em được cung cấp miễn phí bữa ăn, chỗ ngủ và cả việc học. Điều hành các chi nhánh này phần lớn là trẻ em và đối tượng được thụ hưởng chính cũng là trẻ em. Sáu tháng một lần, những em có tài khoản ở quỹ lại bầu ra hai tình nguyện viên làm quản lý.


"Những ai kiếm tiền bằng việc ăn xin hay bán ma túy sẽ không được phép mở tài khoản. Ngân hàng này chỉ dành cho những bạn làm việc chăm chỉ và chính đáng", Karan, một "quản lý" 14 tuổi nói.


Trong ngày, Karan kiếm tiền từ việc giặt giũ khăn trải bàn đám cưới hay các sự kiện tiệc tùng khác. Tối đến, cậu ngồi ở quầy thu ngân để thu tiền của những người gửi và cập nhật sổ sách trước khi ngân hàng đóng cửa.


“Khi một chủ tài khoản muốn rút tiền, tôi đều hỏi họ lý do và chỉ trao tiền nếu các bạn khác cũng đồng ý. Tiền gửi của các bạn có lãi suất 5% nhờ cuối ngày luôn có một nhân viên ngân hàng nhà nước tới thu tất cả các khoản tiền gửi và đem chúng gửi vào ngân hàng nhà nước” - Karan cho biết.


Theo Sharon Jacob, làm việc cho nhóm Butterflies thành lập ngân hàng trên, mục đích ra đời của ngân hàng đặc biệt này là dạy trẻ em cách quản lý tiền bạc vì tương lai của chính các em.


"Các em làm việc ở nhiều nơi nhưng chúng không bao giờ có một chỗ an toàn để cất tiền. Chúng có thể bị lừa gạt hoặc bị lấy trộm mất số tiền ít ỏi kiếm được”, Jacob cho biết. “Vậy nên đây là nơi chúng có thể cất giữ tiền một cách an toàn và các em cũng được học về kỹ năng sống và quản lý tài chính”.


Lao động trẻ em chính thức bị coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng hàng triệu trẻ em ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này không có sự lựa chọn nào khác là phải ra đường kiếm miếng ăn cho chính mình và giúp đỡ gia đình. Nhiều em đã rời nông thôn để đến các thành phố lớn với hy vọng thoát được cuộc sống cùng cực và khắc nghiệt nơi thôn quê.


Samir, làm việc tại một cửa hàng sử dụng nhân công rẻ mạt, nói: “Em đã chạy trốn khỏi nhà khi mới 11 tuổi sau trận đòn thậm tệ của bố vì tội ăn cắp một cái chảo. Em đã phải ngủ ở ga xe lửa trong nhiều ngày, bị những tên ma cô đánh đuổi. Em đã muốn trở về nhà nhưng lại xấu hổ không dám về”. Nay đã 14 tuổi, Samir sống trong trại cùng các bạn bè đường phố khác và cũng có một tài khoản ngân hàng. "Trong 7 tháng qua em đã tiết kiệm được 4.000 rupee (70 USD)”. Samir kể. “Em sẽ mua một cái áo và một chiếc đồng hồ gửi về cho bố thay lời xin lỗi”. Samir nghĩ rằng món quà của cậu sẽ khiến bố tha thứ và sẵn lòng đón cậu trở về nhà.

Đỗ Sinh (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN