Argentina:

Ngậm ngùi tiễn biệt những toa tàu trăm tuổi

Tiếc nuối, buồn bã, xúc động và lo lắng là những cung bậc tình cảm lộ rõ trên khuôn mặt của hàng ngàn người dân và du khách đi những chuyến tầu điện ngầm cuối cùng trên những toa cổ nhất vẫn còn được khai thác thương mại trên thế giới.


Theo quyết định của chính quyền thủ đô Buenos Aires, kể từ ngày 12/1, toàn bộ những toa tầu điện ngầm được đưa vào sử dụng lần đầu tiên tại Argentina, từ cách đây gần 1 thế kỷ, được “nhận sổ hưu”, và cùng với nó là tuyến tầu điện ngầm mang số hiệu “A” sẽ ngừng hoạt động trong 2 tháng để chuẩn bị tiếp nhận các toa tầu hiện đại thay thế.


Người dân tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm những toa tầu “trăm tuổi”. Nguồn: Telam


Gần 100 năm vẫn chạy tốt


Có lẽ một trong những điểm gây chú ý nhất đối với du khách khi bắt tầu điện ngầm tại thủ đô Buenos Aires chính là những toa tầu của tuyến “A”, được khai trương ngày 1/12/1913 trong một buổi lễ trọng thể.


Với mong muốn có “Métro” giống như Paris, Argentina quyết định xây tuyến này. Đây là tuyến tầu điện ngầm đầu tiên tại Mỹ Latinh và cũng là tuyến đầu tiên tại các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Trên thế giới, Argentina là nước thứ 13 có tàu điện ngầm và người dân nước này gọi nó là “Subte”.


Khi bắt đầu đi vào hoạt động, tuyến đường dài 10,5 km này sử dụng tổng cộng 95 toa, do hãng Le Brugeoise et Nicaise et Delcuve của Bỉ sản xuất. Tuy nhiên, vào ngày cuối cùng sau hơn 99 năm vận hành, chỉ còn 55 toa hoạt động, vì những toa còn lại bị hỏng nặng hoặc đang được bảo dưỡng.


Đây là những toa tầu điện ngầm cũ nhất vẫn hoạt động trên thế giới.


Đông đảo nhân viên làm việc tại tuyến, nghị sĩ thành phố, đại diện các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực di sản, nghệ sĩ và người dân đã tụ tập ngày 11/1 tại nhà ga Junta Primera để tham gia lễ chia tay những toa tầu đã gắn liền với cuộc sống của họ và để lại những kỷ niệm sâu sắc không thể xóa nhòa theo năm tháng. Một số người đã luống tuổi không thể kìm lệ rơi khi nhìn thấy đoàn tầu chạy qua trong ngày hoạt động cuối cùng.


Hàng ngày tuyến tầu điện ngầm này phục vụ khoảng 150.000 lượt hành khách. Một số tổng thống Argentina đã từng xuống đi tuyến này. Trong số các nhân vật nổi tiếng từng thường xuyên đi lại bằng phương tiện này còn có Roberto Arlt (cố nhà văn, nhà viết kịch và nhà báo), Leopoldo Lugones (cố nhà văn từng có ảnh hưởng tại Mỹ Latinh), và Giáo chủ Jorge Mario Bergoglio, người đứng đầu Tổng giáo phận Buenos Aires.


Đại sứ Bỉ tại Argentina, Thomas Antoine, cũng có mặt để tận hưởng cảm giác được đi chuyến tầu trong ngày cuối cùng trên toa tầu do nước ông chế tạo. Ông tâm sự: Chúng tôi sản xuất toa tầu cho các nước khác và bản thân thì không được sử dụng vì mãi đến thập kỷ 70 mới có phương tiện giao thông tân tiến này.


Các toa tầu “trăm tuổi” trên sẽ được thay bằng tầu hiện đại do Trung Quốc chế tạo. “Trung Quốc sẽ cung cấp các toa tầu thay thế, nhưng tôi mời các bạn quan tâm đến chất lượng sản phẩm của Bỉ”, Đại sứ nói trong niềm kiêu hãnh với bằng chứng đầy thuyết phục.


Toa tầu cổ này đã có ngót một thế kỷ phục vụ hành khách.


Chính quyền thành phố đưa toa tầu mới vào sử dụng với lý do bảo đảm an toàn cho hành khách, tuy nhiên có ý kiến phản đối việc thay thế này vì cho rằng mặc dù là toa tàu cổ nhưng vẫn rất chắc chắn, và hơn nữa được bảo dưỡng thường xuyên.


Thậm chí các nhân viên làm việc tại xưởng El Polvorín, là những người thực hiện trực tiếp công việc bảo dưỡng và sửa chữa toa tầu cũ, tin rằng chúng có thể tiếp tục chạy tốt thêm 100 năm nữa!


Di sản của nhân loại


Các toa tầu được đóng bằng gỗ, có gương và hệ thống đèn đặc trưng của thời kỳ nó được chế tạo. Mỗi khi tầu dừng tại bến, chính hành khách phải mở cửa vì thời đó chưa có hệ thống cửa mở tự động. Sau gần 1 thế kỷ đưa vào sử dụng, các toa tuần trên vẫn giữ được “vóc dáng” như khi xuất xưởng.


Một trong những mối quan ngại của hành khách “ruột” của tuyến này là, mặc dù việc đóng tuyến chỉ là tạm thời, nó sẽ gây xáo trộn cho việc đi lại của họ trong 2 tháng tới. Thế nhưng điều gây lo ngại lớn hơn là “số phận” của những toa tầu có đủ điều kiện để đi vào danh sách di sản văn hóa quốc gia này, vì chúng có nguy cơ trở thành phế liệu hoặc bị biển thủ như từng xảy ra khi thành phố thay đá lát đường cổ, hoặc khi dỡ bỏ hệ thống tầu điện một thời rất hữu dụng.


Trước những tranh luận trong dân chúng xung quanh vấn đề này, Tổng thống Cristina Fernández kêu gọi chính quyền thành phố (do lực lượng đối lập kiểm soát) bảo quản nó vì đây là di sản của đất nước.


Cũng theo tinh thần đó, Mạng lưới di sản –tập hợp khoảng 60 tổ chức phi chính phủ- đề nghị chính quyền làm hồ sơ trình Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (Unesco) để những toa tầu này được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.


Trong khi đó, Bộ trưởng văn hóa thành phố Buenos Aires, Hernán Lombardi, cho biết trước mắt thành phố sẽ biến 20 trong số các toa tầu cổ trên thành 10 thư viện công cộng và sẽ được bố trí tại một số công viên và vườn hoa gần nơi tuyến “A” đi qua như Parque Rivadavia, Plaza Flores và Primera Junta.


Thư viện đầu tiên sẽ được khai trương ngay trong tháng 3 tới và các thư viện khác sẽ lần lượt đi vào hoạt động ngay trong năm nay. Tất cả các thư viện này sẽ có sóng wifi miễn phí.



Quang Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN