Napoleon và những con chiến mã

Hoàng đế Napoleon Bonaparte lừng danh của nước Pháp là người rất yêu ngựa. Hình ảnh về ông thường được khắc họa khi đang ngồi trên lưng ngựa. Những con chiến mã của ông đều được chọn lựa, huấn luyện khắt khe. Chúng đảm bảo an toàn tính mạng cho Napoleon mỗi khi lâm trận và góp phần mang lại những chiến thắng vang dội cho vị hoàng đế vĩ đại này.

 

Có thể nói Napoleon là một kỵ sĩ gan dạ. Ông thường xuyên cưỡi ngựa cho dù con vật này có thể trở nên rất nguy hiểm mỗi khi “dở chứng”. Napoleon thúc ngựa phi nước đại với một vẻ táo bạo và tự do mà ít người dám. Ngay cả khi chú ngựa đang lao đi với tốc độ đáng sợ thì cũng không có vật cản gì có thể khiến Napoleon lo sợ. Cấp dưới của Napoleon đều cho biết, một khi ngồi trên lưng ngựa, Napoleon hầu như không biết sợ và ông chỉ thích phi nước đại. Ông cưỡi ngựa thành thạo, điêu luyện và đặc biệt thích phi ngựa xuống những con dốc hun hút. Những ai liều lĩnh đuổi theo Napoleon thường có nguy cơ ngã nhào.

 

Chiến mã “cưng” Marengo của Napoleon.


Tuy nhiên, dáng cưỡi ngựa của Napoleon lại không được đẹp mắt cho lắm, có người còn ví ông cưỡi ngựa có dáng như một gã bán thịt. Ông thường ngồi trên lưng ngựa trong tư thế vai thõng, chân chúc xuống để đầu ngón chân cao hơn gót chân. Tư thế thoải mái này khác xa với tư thế cưỡi ngựa cổ điển vốn yêu cầu người thẳng lưng, ức bàn chân để trong bàn đạp ngựa và gót chân hướng xuống. Theo cách của người đảo Corse, người ta cưỡi ngựa không có hàm thiếc, dây cương buông lỏng và điều khiển ngựa bằng cách gây sức ép lên cổ con ngựa. Napoleon thường để chân thẳng và ra lệnh cho ngựa bằng cách dịch chuyển trọng lượng cơ thể chứ không phải bằng tác động lên hàm thiếc. Dường như, Napoleon điều khiển theo cách như kiểu “cộng sinh” với con ngựa một cách rất bản năng nhưng lại nhịp nhàng.


Khác với những người cùng thời, Napoleon rất thích chọn giống ngựa Arab lông trắng xám nhỏ bé. Người ta cho rằng nguyên nhân là vì vóc dáng của Napoleon cũng thấp bé. Nhưng thực ra không hẳn như vậy. Ngựa Arab là giống có tính khí dễ chịu, ngoan ngoãn, phi nước kiệu nhẹ nhàng và có bước đi thong thả. Chúng có đủ sức để tiếp tục đi ngay cả khi mệt lả và có thể đi đường dài với tốc độ ổn định. Chúng có thể sống chỉ bằng cỏ khô. Các điểm cộng khác khiến ngựa Arab lọt vào mắt Napoleon còn là xương cứng, đẹp, thông minh.


Người ta kể rằng Napoleon yêu vẻ đẹp và phẩm chất của ngựa Arab đến mức có lần ông phải khó khăn lắm mới ra lệnh cho quân của mình nã pháo vào đội kỵ binh ngựa Arab của kẻ thù. Ngoài ra, Napoleon yêu loài ngựa này còn vì chúng có thể dừng lại đột ngột. Tuy nhiên, giống ngựa này cũng thường bất thình lình phi nước kiệu. Do đó, Napoleon áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa trường hợp này mỗi khi buông lỏng dây cương.

 

Bức tranh nổi tiếng vẽ Napoleon trên lưng chiến mã.


Là chiến binh nhưng Napoleon không đối xử hà khắc với ngựa của mình. Ngược lại, ông rất quan tâm tới việc chăm sóc lũ ngựa. Ông cấm lính cắt đuôi ngựa - một điều khá phổ biến trong quân đội Anh. Napoleon lệnh cho cấp dưới không mua ngựa có đuôi bị cắt cho quân đội. Cắt đuôi giúp tiết kiệm công sức, thời gian khi chải lông ngựa nhưng với cái đuôi cụt lủn, lũ ngựa lại không thể phe phẩy đuổi những con ruồi nhặng hay côn trùng khó chịu.


Đối với Napoleon, sức ngựa là điều quan trọng đến mức đích thân ông kiểm soát toàn bộ các đơn vị kỵ binh. Nước Pháp lúc nào cũng thiếu thốn ngựa tốt. Các trại ngựa giống ngày càng xuống cấp. Để bù lại sự thiếu hụt nguồn giống, Napoleon đã lấy ngựa từ những nước đã bị quân của ông chinh phạt, xây dựng trại ngựa giống. Ngoài việc cải tổ kỵ binh Pháp, Napoleon còn thành lập được sáu trại ngựa giống quốc gia, 30 trung tâm ngựa giống và ba trường dạy cưỡi ngựa. Chuồng ngựa riêng của ông thường có 80 con chuyên để cưỡi cùng với một đoàn ngựa kéo xe. Người ta ước tính có khoảng 10 đến 18 con ngựa đã chết khi cùng chinh chiến với Napoleon.


Nói về ngựa chiến, Napoleon cho huấn luyện chúng rất kỹ lưỡng trước khi cho xuất trận. Người ta cho nổ súng ngay sát tai ngựa khi chúng đang được cho ăn. Người ta rút kiếm loang loáng và xiên lưỡi lê ngay trước mặt chúng. Rồi họ thường xuyên đánh trống, thổi kèn và gây các tiếng động khác một cách bất thình lình. Cờ vẫy lên vẫy xuống, chó và các con vật khác luẩn quẩn giữa các chân... Tất cả các biện pháp này là để dạy cho chiến mã cách vững vàng trong bất kỳ tình huống nào và không nao núng trước những điều bất ngờ.


Napoleon rất khó tính trong việc chọn ngựa. Trong cả chuồng ngựa chỉ có khoảng 8 đến 10 con lọt vào mắt ông. Tuy nhiên, tướng tá của Napoleon cảm thấy xấu hổ nếu ngồi trên lưng những con ngựa mà Napoleon chọn. Chúng thấp bé, gày gò, không màu mè. Nhưng đổi lại, chúng ngọt ngào, nhẹ nhàng và đáng tin cậy.


Trong các bức tranh, Napoleon thường được vẽ đang cưỡi ngựa trắng. Tuy nhiên, trong thực tế, ngựa Arab của ông lại toàn màu xám: xám đậm, xám nhạt, xám đen, đốm xám, xám đậm với đốm trắng, xám lông chuột, xám tro, xám trắng... Ngựa xám của Napoleon thường được vẽ màu trắng trên tranh sơn dầu để làm nổi bật hình ảnh ông trên chiến trường.


Trong số những chiến mã của Napoleon, nổi tiếng nhất là chiến mã Marengo. Người ta cho rằng nó bị bắt trong một chiến dịch ở Ai Cập vào lúc 6 hoặc 7 tuổi năm 1799 và được đặt tên sau trận đánh Marengo năm 1800. Napoleon đã cùng với Marengo xông pha trong mọi chiến dịch quan trọng nhất, từ trận Austerlitz, trận Jena - Auerstedt, trận Wagram đến trận Waterloo. Trong sự nghiệp chinh chiến, Marengo bị thương 8 lần. Trong các chuyến đi từ Valladolid đến Burgos, Napoleon cũng thường xuyên cưỡi Marengo. Quãng đường 126 km này Marengo đi mất 5 giờ.


Năm 1812, khi bị người Nga đột kích, Marengo đã chạy trốn cùng với những con ngựa khác trong chuồng ngựa riêng của Napoleon. Marengo bị William Henry Francis Petre (bá tước Petre 11) bắt năm 1815 khi cùng Napoleon trong trận Waterloo. Bá tước Petre đưa Marengo về Anh và bán cho trung tá Angerstein thuộc đội lính đặc nhiệm. Marengo sống ở trại ngựa tại New Barnes và chết lúc 38 tuổi. Xương của chú chiến mã nổi tiếng này (trừ một móng) được bảo quản. Về sau, nó được chuyển về Viện quân chủng thống nhất hoàng gia và đang được trưng bày tại bảo tàng quân đội quốc gia tại Chelsea. Chiếc móng còn lại được Angerstein tặng cho các binh sĩ đội đặc nhiệm làm hộp đựng thuốc lá.


Cả cuộc đời chinh chiến trên lưng ngựa nhưng suốt thời thơ ấu trên quê hương là đảo Corse, Napoleon chưa bao giờ có một con ngựa riêng hay được dạy những kỹ năng cơ bản về cưỡi ngựa. Cậu bé Napoleon thuở ấy thường cưỡi trên lưng một con la hay con lừa mượn hay nếu may mắn thì được ngồi trên lưng ngựa con. Khi Napoleon 7 tuổi rưỡi, quản gia của gia đình cậu bé mua về hai con ngựa non và rất “háu đá”. Cậu bé ngay lập tức cưỡi lên một con và trước sự kinh hãi của mọi người, cậu thúc ngựa phi nước đại ra ngoài nông trại cười vang sung sướng.


Đối với vị hoàng đế này, loài ngựa có trí nhớ, có hiểu biết và có tình yêu. Tình cảm và sự gắn bó của Napoleon với ngựa, đặc biệt là chiến mã Marengo, đã khiến lịch sử luôn mường tượng về ông trong hình ảnh một vị tướng dũng mãnh trên lưng ngựa.


Minh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN