Mong manh 'giấc mơ nước' châu Phi

Phát hiện mới nhất của các nhà khoa học về một hồ chứa nước ngầm rộng lớn tại châu Phi đã mang lại niềm vui cho người dân trên khắp lục địa khô héo và cằn cỗi này. Tuy nhiên, giấc mơ về nước của người dân Lục địa Đen không dễ trở thành hiện thực.

Theo mạng tin "economywatch.com", mặc dù có thể chưa phải là lục địa khô hạn nhất trên thế giới nhưng sự thiếu thốn nguồn nước đã trở thành vấn đề nan giải của châu Phi khi có khoảng 300 triệu người dân ở châu lục này không thể có được nguồn nước uống an toàn bởi sự yếu kém trong các hệ thống phân phối và cung cấp nước. Tuy vậy, phát hiện mới của một số nhà khoa học cho thấy, lục địa này có các tầng chứa lượng nước ngầm lớn gấp 100 lần khối lượng nước trên bề mặt. Andrew Mitchell, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh, cho rằng đây là một khám phá quan trọng. Nghiên cứu mới về nguồn nước của châu Phi do chính phủ Anh tài trợ có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến số đông người nghèo nhất trên thế giới, giúp họ giảm bớt ảnh hưởng từ hạn hán và dễ dàng thích ứng hơn với các tác động của biến đổi khí hậu.


Hàng trăm triệu người dân châu Phi chưa được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt đảm bảo an toàn. Ảnh: internet


Các nhà nghiên cứu của Cơ quan khảo sát địa chất Anh (BGS) và Đại học College London (UCL) cũng cho biết có thể tính toán được trữ lượng tiềm năng của các nguồn nước ngầm trên toàn châu Phi cũng như xác định được các điểm nước ngọt có thể khai thác. Helen Bonsor, chuyên gia nghiên cứu của BGS, cho biết Bắc Phi là nơi có lượng nước ngầm lớn nhất, với tầng lưu trữ có độ dày khoảng 75 mét nước ở các nước Libi và Angiêri. Tiến sỹ Alan MacDonald nhấn mạnh ý nghĩa của phát hiện này là nguồn dự trữ không chỉ lớn về số lượng mà còn đáng quan tâm về chất lượng. Ông cho rằng nước ngầm có thể là nguồn cung cấp nước uống cho người dân châu Phi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng có những thách thức lớn trong việc khai thác nguồn nước ngầm ở châu Phi. Việc phát triển nhiều mũi khoan lớn có thể làm tầng nước ngầm nhanh chóng bị cạn đi, thậm chí ngay cả trước khi người châu Phi có được nước uống. Theo bà Bonsor, nhiều tầng nước đã không được tích tụ trong vòng hơn 5.000 năm nên có thể bị cạn kiệt rất nhanh chóng. Còn Tiến sỹ MacDonald cho rằng điều quan trọng nhất là không nên phát triển các lỗ khoan công suất cao khi không có sự hiểu biết thấu đáo về các điều kiện nước ngầm của từng địa phương. Bà Bonsor cho biết ít nhất trong thời điểm hiện nay, các nước châu Phi cần xem xét kỹ lưỡng về các tầng nước ngầm chưa được khai thác. Sự cẩn trọng trong thăm dò và khai thác sẽ giúp châu Phi có đủ nguồn nước sinh hoạt cũng như nguồn nước phục vụ cho các công trình thủy lợi.

Đáng chú ý nữa là các quốc gia và các công ty giàu có đã tăng cường việc đảm bảo các nguồn cung cấp nước bằng việc chiếm đoạt các vùng đất giàu tài nguyên nước ở châu Phi, thậm chí ngay cả trước khi các tầng chứa nước ngầm được phát hiện. Chuyên gia phân tích Tom Styles của Maplecroft cho biết để bù đắp những thiếu hụt, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc cùng với các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ đã mua lại các vùng đất giàu tài nguyên nước phục vụ cho các mục đích nông nghiệp ở các nước đang phát triển để đảm bảo sự an toàn của nguồn cung cấp thực phẩm và đối phó với những biến động giá lương thực trên toàn cầu.

Theo Giáo sư Richard Vogel thuộc Đại học Tufts, sự khan hiếm nước trên toàn cầu cùng với nhu cầu ngày càng tăng có thể sẽ biến nguồn nước sạch trở thành một nguồn dầu mới. Nhu cầu về nước sạch trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần trong thế kỷ qua, khiến tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng. Thực tế là con người vẫn có thể sống mà không có dầu vì dầu là nguồn tài nguyên có thể thay thế được, nhưng nước là một điều kiện tiên quyết cho sự cân bằng cuộc sống của con người và không có gì có thể thay thế nước. Do đó, một số nhà phân tích cho rằng có thể xảy ra cuộc chiến tranh về nước trong tương lai khi nguồn nước trên toàn cầu đang dần khô cạn.

Thanh Hải
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN