Mất mùa, Nhật Bản 'cháy hàng' khoai tây chiên giòn

Giá bán khoai tây chiên giòn ở Nhật Bản đã tăng gấp 6 lần sau khi các công ty sản xuất đồ ăn vặt (snack, hay còn gọi bim bim) của nước này công bố dừng bán một số loại khoai tây được yêu thích.

 Khoai tây chiên giòn cháy hàng do khan hiếm khoai tây.

Quyết định ngừng bán khoai tây chiên giòn là do mất mùa khoai tây ở đảo Hokkaido, vùng trồng khoai tây chính ở miền Bắc Nhật Bản. Hồi năm ngoái, đảo Hokkaido đã xảy ra bão và lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mùa vụ của người nông dân.

Tờ Nikkei dẫn nguồn tin từ Văn phòng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ở Hokkaido cho biết sản lượng khoai tây thu hoạch trong vụ mùa năm ngoái giảm 10% so với năm 2015. Công ty sản xuất snack Calbee, chiếm 73% thị trường khoai tây chiên giòn ở Nhật, tuyên bố sẽ ngừng sản xuất tổng cộng 33% mặt hàng vào cuối tháng 4. Trong khi đó, Koike-Ya, một nhà sản xuất snack khác, được cho là sẽ tạm ngừng hoặc dừng bán 16 sản phẩm, bao gồm cả loại khoai tây chiên giòn vị consommé được ưa thích nhất.

Khoai tây chiên giòn được bày bán trong siêu thị Nhật. Ảnh: Bloomberg

Khoai tây chiên giòn đang cháy hàng ở Nhật Bản. Theo RT, giá một gói khoai tây hương vị pizza của Calbee được rao bán với giá 1.250 yen (khoảng 12USD) trên trang web đấu giá Yahoo Nhật Bản. Giá thông thường của một gói khoai tây chiên loại này trước đây chưa đến 200 yen (1,85 USD).

Khoai tây chiên giòn là món ăn rất được yêu thích ở Nhật Bản. Theo khảo sát của kênh truyền hình Asahi, thực hiện đối với 10.000 người tiêu dùng và 13 cửa hàng bánh kẹo và sản xuất đồ ăn vặt năm 2016, các sản phẩm khoai tây chiên giòn là món ăn vặt được yêu thích nhất nhì ở nước này. Trong đó, khoai tây chiên giòn Calbee là loại được yêu thích thứ hai.

Cho tới nay, vụ mất mùa khoai tây ở Hokkaido mới chỉ ảnh hưởng đến thị trường khoai tây chiên giòn ở Nhật, nhưng tình trạng này có thể sẽ sớm lan sang các nhà hàng và chuỗi đồ ăn nhanh có các món ăn chế biến từ khoai tây trong thực đơn. Báo Nikkei của Nhật đã gọi đây là “cuộc khủng hoảng khoai tây” ở Nhật Bản.


Để vượt qua “cuộc khủng hoảng khoai tây”, Koike-Ya đang xem xét tìm nguồn khoai tây từ phía nam đảo Kyushu, một khu vực trồng khoai tây lớn khác ngoài Hokkaido. Công ty Koike-Ya chỉ sử dụng khoai tây nội địa và không dựa vào các nguồn nhập khẩu. Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời bà Rie Makuuchi, phát ngôn viên của Calbee trụ sở ở Tokyo nói: “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để bán hàng trở lại”. Bà Makuuchi nhấn mạnh rằng hãng này sẽ xem xét nhập khẩu thêm khoai tây từ Mỹ, cũng như đề xuất nông dân trồng khoai ở Kyushu thu hoạch mùa vụ sớm hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản chứng kiến tình trạng khan hiếm thực phẩm. Trước đây, do số lượng người nông dân sản xuất sữa ở nước này giảm và lượng sữa nhập khẩu thiếu do thuế cao đã từng dẫn tới tình trạng khan hiếm bơ.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Triển vọng trồng khoai tây trên Sao Hỏa
Triển vọng trồng khoai tây trên Sao Hỏa

Các nhà khoa học Peru đã gieo trồng thành công khoai tây trong môi trường giống trên Sao Hỏa, mở ra triển vọng trồng loại củ có nhiều giá trị dinh dưỡng này trên Hành tinh Đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN