Lừa tình trên mạng - trò lừa đảo hàng đầu tại Canada

Lừa tình trên mạng đã trở thành một trong 10 trò lừa đảo hàng đầu ở Canada khi danh sách nạn nhân ngày càng dài, bất chấp những cảnh báo của cảnh sát.

Ảnh minh họa.

Trong năm ngoái, các vụ lừa tình trên mạng ở Canada đã gây tổn thất 17 triệu đôla Canada (CAD), tương đương 14 triệu USD. Vì quá cả tin, nhiều người đã nhắm mắt đưa tiền, thậm chí rất nhiều tiền, cho những kẻ lừa đảo mà họ phải lòng. Chúng giả làm người tử tế, tìm cách kết bạn qua các trang mạng xã hội hay trang mạng hẹn hò để dụ dỗ nạn nhân, đây họ sa vào một mối quan hệ tình cảm giả tạo để trục lợi tài chính.

Nạn nhân gần đây nhất là một quả phụ ở thành phố Toronto, bị lừa khoảng 450.000 CAD. Nạn nhân cho biết đã chủ động kết bạn với một người đàn ông trên mạng và sau một thời gian thường xuyên trò chuyện, bà hoàn toàn tin tưởng đã gây dựng được một tình cảm lâu dài. Chính vì thế khi “người bạn” này thổ lộ ông ta gặp khủng hoảng, bà đã không ngại ngần gửi ngay 40.000 CAD giúp đỡ.

Sau đó, kẻ lừa tình lập tức “bặt vô âm tín”, nhưng câu chuyện lừa đảo vẫn chưa dừng ở đó. Chúng tiếp tục lợi dụng sự đau khổ của nạn nhân để đẩy bà vào ma trận các trò lừa đảo khác tinh vi hơn.

Chúng giả danh nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Liên hợp quốc liên lạc để thông báo bà là một trong các nạn nhân của một trò lừa đảo trên mạng. Để làm chứng, chúng dùng tên thật của các nhân viên FBI và LHQ, đồng thời cung cấp các thông cáo báo chí và phán quyết giả của tòa về việc bồi thường cho các nạn nhân 22 triệu USD, trong đó có tên của bà và nhiều người khác. Nhưng để nhận được tiền bồi thường, trước mắt bà sẽ phải đóng các khoản lệ phí, thuế và một số phí tổn khác. Bà đã phải bán căn nhà chung cư để có thêm 410.000 CAD nộp cho các đối tượng trên. 

Theo thanh tra Ian Nichol thuộc đơn vị trấn áp tội phạm tài chính của Cảnh sát thành phố Toronto, thường thì cảnh sát rất khó truy tìm được những kẻ lừa đảo trên mạng vì chúng thường xuyên thay đổi địa chỉ IP và sử dụng các phương thức liên lạc khác nhau. Vì thế mọi người phải luôn tự chủ động đề cao cảnh giác, tránh tự đẩy mình vào tình huống “com cóp cho cọp xơi”. Thanh tra Nichol giải thích:  “Các nạn nhân thường rất dễ bị lường gạt dưới hình thức này hay hình thức khác. Họ đa phần là những người lớn tuổi, sống cô đơn, vẫn sáng suốt nhưng dễ bị tác động”.

Theo số liệu của Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP), trong năm ngoái ở Canada có khoảng 748 người - chủ yếu trong độ tuổi từ 40 đến 50 - bị gạt hơn 17 triệu CAD trong các vụ lừa tình trên mạng. Một số người bị gạt tới hơn 100.000 CAD, mất gần như toàn bộ tiền tiết kiệm hay thậm chí bán nhà, thanh lý tài sản để gửi tiền cho những kẻ lừa đảo.

Cảnh sát cho biết những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của trò lừa tình qua mạng là đối phương thổ lộ tình cảm rất sớm, trước cả khi gặp mặt trực tiếp; tự nhận là đồng hương đang làm việc ở nước ngoài và có người thân trong gia đình ốm đau đột xuất cần chi tiền gấp; hoặc trúng giải thưởng lớn hay được thừa kế một khoản tiền lớn nhưng không có tiền đóng thuế, phí và lệ phí ban đầu nên nhờ được giúp đỡ…

Một điều đáng buồn là dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng năm nào các trò lừa tình trên mạng cũng diễn ra. Không chỉ thế, số lượng các vụ lừa đảo được báo cáo có thể chỉ là phần nổi của tảng băng lớn vì các nghiên cứu cho thấy chỉ có 5% nạn nhân trình báo cảnh sát. “Có một lý do quan trọng là họ cảm thấy xấu hổ về chuyện đã xảy ra và không muốn nhắc tới. Họ chấp nhận tổn thất và gắng đứng dậy đi tiếp”, hạ sĩ Guy Paul Larocque cho biết.

Trong số 10 trò lừa đảo hàng đầu ở Canada thì lừa tình qua mạng gây tổn thất nhiều nhất, lên tới 17 triệu CAD.

Tiếp đến là lừa đảo chuyển tiền (tổn thất 13 triệu CAD), lừa đảo về danh tính (11 triệu), lừa đảo mua hàng trên mạng (8,6 triệu), lừa đảo đầu tư (7,5 triệu), lừa đảo việc làm (5,3 triệu), lừa đảo thuế vụ (4,3 triệu), lừa đảo trúng số (3 triệu), lừa đảo phí ứng trước (1,1 triệu) và lừa đảo quảng cáo giả trên mạng (không xác định được).


Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)
Chấn động chuyện lừa phụ nữ Nepal vào nhà thổ để lột da đi bán
Chấn động chuyện lừa phụ nữ Nepal vào nhà thổ để lột da đi bán

Khi nạn nhân phát hiện mình bị mất một mảng da, những kẻ buôn người sẽ dùng một khoản tiền bồi thường để “bịt miệng” nạn nhân. Bên cạnh đó, những người phụ nữ này buộc phải ký vào một tờ giấy trong đó xác nhận họ đã hiến tặng da chứ không phải hoạt động mua bán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN