Lau sậy vàng vùng châu thổ Danube

Trải dài từ sông Danube tới Biển Đen là rừng lau sậy bạt ngàn. Từ chỗ là chất đốt dễ kiếm của người dân địa phương, lau sậy vàng đang trở thành vật liệu lợp thời thượng ngự trị trên nóc các tòa nhà sang trọng ở nhiều nước châu Âu, từ Đức cho tới Anh. Sự “đổi đời” của lau sậy vàng bắt nguồn từ nhận thức lại của con người về xây dựng bền vững kết hợp với bảo vệ di sản.

Thu hoạch lau sậy ở châu thổ sông Danube.

“Lau sậy nước vùng châu thổ Danube nổi tiếng về độ bền”, ông Octavian Popa giải thích khi đứng trông những người đàn ông thu gom loại cây cỏ này bằng một thiết bị đặc biệt. Doanh nghiệp của Popa, Delta Stuf Production, là một trong hai công ty duy nhất được phép thu hoạch lau sậy theo các điều kiện nghiêm ngặt tại khu rừng lau sậy lớn nhất hành tinh đã được UNESCO xếp hạng là Di sản Thế giới này. Mỗi năm, doanh nghiệp của ông thu hoạch khoảng 20.000 tấn lau sậy tại khu vực quần tụ những đầm lầy, kênh rạch và hồ nước thuộc lãnh thổ Rumani để xuất khẩu sang Tây Âu, chủ yếu là Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và Anh.

Danh tiếng của lau sậy vùng châu thổ Danube đã được khẳng định ở nhiều công trình xây dựng lớn mà điển hình là sự hiện diện của nó tại Nhà hát Toàn cầu Shakespeare ở thủ đô Luân Đôn (Anh) hay các phim trường Babelsberg nổi tiếng ở Béclin (Đức).

Trên thế giới, các mái lợp bằng cỏ cây hiện diện ở mọi châu lục. Người ta có thể dùng mọi thứ, từ các loại cỏ tranh cho tới những tấm lá phiến lớn để lợp nhà ở Nam Mỹ và trên các đảo Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ở châu Âu, mái nhà thường được lợp bằng lau sậy và rơm. Nguyên liệu này không chỉ có ở Rumani và các nước Đông Âu khác mà cũng có ở dọc bờ biển Norkolk của Anh hay vùng Camargue ở miền nam nước Pháp.

AFP dẫn lời ông Jacques Baudoin, Chủ tịch Hiệp hội mái lợp lá Pháp cho biết: “Tại Pháp, nhu cầu lợp mái lá gia tăng trong những năm gần đây. Trông chúng không những rất đẹp mà các mái lợp bằng lau sậy còn cách nhiệt tuyệt vời”. Cũng như vậy, “các mái lợp bằng lau sậy rất phổ biến ở Hà Lan”, đối tác của Baudoin ở Hà Lan là ông Henk Horlings cho biết. Ông này cũng ước tính rằng đất nước Hà Lan nhỏ bé hiện có khoảng 150.000 bất động sản lợp lau sậy. Tại Anh và Ailen, xu hướng lợp nhà mái lau sậy cũng đang thịnh hành nhờ ý thức mạnh mẽ hơn của người dân về bảo tồn.

Lối sống bền vững

Trước khi hiện diện trên mái những tòa nhà lịch sử, lau sậy phải được thu lượm và quá trình này kéo dài từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 3 năm sau, trong các điều kiện có thể gọi là đầy thách thức đối với người thu hoạch. Ông Dan Baltaneanu, người đã có 52 năm gắn bó với nghề cắt lau sậy giải thích: “Ở đây chúng tôi đang thu hoạch trên một đảo nổi”. Hòn đảo này thực chất là một lớp đất mỏng và lái máy kéo trên nó như thể bạn đang lái xe trên một đảo nổi vậy.


“Chúng tôi phải độ lại máy cho phù hợp với môi trường”, ông Baltaneanu nói, theo đó các máy kéo và máy “gặt” lau sậy được trang bị những bánh xe có tiết diện rộng với áp suất thấp để khỏi làm hư hại lớp rễ lau sậy.


Trước đây, việc thu hoạch lau sậy từng dựa hoàn toàn vào máy móc và điều này không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của lau sậy do lớp rễ của chúng bị các máy kéo hạng nặng đè lên. Ngày nay, việc thu hoạch lau sậy chỉ được thực hiện một phần bằng máy. Xung quanh hồ Sinoe, những người dân địa phương dùng liềm để cắt lau sậy. Những bó lau sậy tươi được đưa đến một trung tâm thu gom ngoài trời để làm khô. Tại đó, những người lao động, chủ yếu là phụ nữ, phân loại chúng để sẵn sàng cho việc xuất khẩu.

Ông Popa thừa nhận rằng công việc thu hoạch lau sậy rất vất vả. Người lao động phải dầm chân trong giá lạnh để cắt lau sậy là chuyện thường ngày trong mùa đông. Song bản thân những người làm công việc này lại chẳng lấy đó làm quản ngại bởi thực tế là nếu không có việc này, họ cũng khó kiếm được việc làm ra tiền nào khác do hoạt động kinh tế ở vùng này còn nghèo nàn.

Theo nhà sinh vật học Silviu Covaliov thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia châu thổ Danube, việc cắt lau sậy đúng cách tốt cho sinh trưởng của chúng tại khu Di sản thế giới này. Vì thế mà nhà nước Rumani cũng có chính sách cho phép mỗi gia đình địa phương được thu hoạch khoảng 2 tấn lau sậy mỗi năm để sử dụng cá nhân, có thể làm chất đốt, lợp mái, xây chuồng cho gia súc hay thậm chí làm thức ăn gia súc. Nhà sinh vật học Covaliov nói ông hy vọng sẽ thuyết phục người dân địa phương tận dụng hiệu quả hơn nữa vật liệu truyền thống này bởi theo ông cây lau sậy hoàn toàn thích hợp cho nhiều mục đích sử dụng trong cuộc sống vùng sông nước.

Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN