Lào đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp

Những ai từng một lần đặt chân đến Lào, được tận mắt chứng kiến những cánh đồng xanh mơn mởn ở tỉnh Xiêng Khoảng, những đồn điền cao su bạt ngàn ở Nam Lào hay những cánh rừng già ở Bắc Lào mới thấy hết tiềm năng nông lâm nghiệp của đất nước này.

Cánh đồng lúa chiêm - nét mới trên đất Lào.

Từ ngàn đời nay, nông lâm nghiệp là nguồn sống chính của người dân Lào. Sau giải phóng, ngành nông lâm nghiệp của Lào luôn đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 4 - 5% và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân (khoảng 30% GDP).

Bước tiến rõ nét nhất của ngành nông nghiệp Lào là việc phá thế độc canh, tự phát, dựa vào thiên nhiên và thay vào đó là sự phát triển đa dạng. Nếu như trước đây ở Lào chỉ làm một vụ lúa mùa thì nay đã có thêm vụ chiêm. Đó thực sự là một cuộc cách mạng nông nghiệp, với sự hợp tác, giúp đỡ của các chuyên gia Việt Nam. Dọc con đường đi lên tỉnh Viêng Chăn, những cánh đồng lúa chiêm mơn mởn với những cánh cò, lũy tre trông như một bức tranh đầy sức sống. Nhờ có những chính sách đúng đắn, từ chỗ thiếu ăn, Lào đã có lương thực dự trữ và phấn đấu sản xuất 4,2 triệu tấn gạo vào năm 2015.

Ở Lào giờ đây cũng đã xuất hiện nhiều trang trại trồng nhiều loại cây; nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, tạo việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn và miền núi.

Đồn điền cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Atôpư ngày càng xanh tốt.


Ngành chăn nuôi gia súc của Lào luôn đạt mức tăng trưởng khoảng 3%/năm, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của người dân và xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 70 triệu USD/năm.

Nét đáng chú ý là thực phẩm của Lào có độ an toàn cao, rất được du khách nước ngoài ưa chuộng, như gạo Xiêng Khoảng hay thịt bò khô Pắcxế.
Với Lào, rừng có tầm quan trọng chiến lược và gắn bó đặc biệt với đời sống tâm linh của người dân. Do chiến tranh và sự khai thác bất hợp lý, diện tích rừng của Lào đã bị suy giảm nghiêm trọng. Nhưng nhờ chính sách trả lại màu xanh cho thiên nhiên của Đảng và Chính phủ Lào, đến nay Lào đã trồng mới được 167.000 ha rừng và đưa vào diện quản lý 10.611.416 ha rừng, trong đó có 20 khu bảo tồn quốc gia với tổng diện tích 3.156.100 ha được quản lý hết sức nghiêm ngặt. Trong nhịp sống công nghiệp hối hả mà được đi dưới những khu rừng già của Lào, cảm nhận sự êm đềm do thiên nhiên mang lại mới thấy hết nỗ lực to lớn của Lào trong công tác bảo vệ rừng sinh thái.

Khai thác thế mạnh về rừng, Lào đang cho xây dựng hàng chục khu du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách du lịch, đem lại một nguồn thu không nhỏ cho đất nước. Trung bình mỗi năm, Lào thu hút được 2 triệu khách du lịch, một con số rất đáng kể nếu so sánh với 6 triệu dân của đất nước này.

Hơn 35 năm qua, Việt Nam và Lào đã hợp tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nông lâm nghiệp. Mới đây, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về nông lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giai đoạn 2011-2015 trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đang được triển khai như dự án Xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Lào; dự án Phân vùng nông nghiệp toàn quốc Lào...

Hiên tại, trên đất Lào, ngoài dự án trồng cây lúa nước thành công, các doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định vị thế trong việc trồng cây công nghiệp. Công ty cổ phần Cao su Việt - Lào, Công ty Cao su Đắk Lắk, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Cao su Dầu Tiếng đã trồng hàng chục ngàn hécta cao su thu được kết quả ban đầu. Nhiều công ty đã xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su ở Lào.

Việc trồng và chế biến các loại cây công nghiệp khác như cà phê, sắn, bạch đàn, bông, mía đường cũng được các doanh nghiệp quan tâm.

Qua cuộc hội thảo: “Hợp tác trồng cây công nghiệp Việt Nam-Lào” mới được Đại sứ quán Việt Nam tại Lào phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông lâm và Cơ quan Quản lý đất đai quốc gia của Lào tổ chức, các nhà doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định quyết tâm hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Lào, trong đó có hợp tác về nông lâm nghiệp theo tinh thần: Việt Nam giúp đỡ Lào trên nhiều lĩnh vực để mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu, thắt chặt hơn tình hữu nghị đặc biệt của hai nước, đem lại hiệu quả cao trong hợp tác phát triển kinh tế nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng.

Bài và ảnh: Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN