Làm gì để mua được nhà ở Anh?

Trong những năm gần đây, bất chấp giá nhà ở Anh tăng kỷ lục, một số lượng lớn nhà ở trung tâm London đã được người nước ngoài mua như một khoản đầu tư dài hạn.

Thống kê của Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (HMRC) cho biết, hiện có hơn 2 triệu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản tại Anh. Giữa năm 2011-2012, số người nước ngoài sở hữu nhà ở Anh đã tăng 6%, từ 1,93 triệu lên 2,04 triệu người.

Việc sở hữu một ngôi nhà ở Anh không đồng nghĩa với việc bạn được định cư ở Anh.


Điều đầu tiên bạn cần làm để mua nhà tại Anh là lập một ngân quỹ và nếu cần một khoản thế chấp, hãy thực hiện những dàn xếp cần thiết. Điều quan trọng là bạn phải chứng minh được số tiền của mình là "tiền sạch", có nguồn gốc rõ ràng. Tiếp đó là thuê một luật sư để tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan chuyện mua nhà.

Sau khi người mua đã chọn được ngôi nhà ưng ý và đưa ra thỏa thuận miệng được đại lý của người bán chấp nhận, đại lý sẽ trình đề nghị cho luật sư của cả bên mua và bên bán thông qua Biên bản ghi nhớ bán (người mua có thể tự làm việc này nếu người bán cho phép, tuy nhiên, các nhà cung cấp thế chấp có thể yêu cầu cả hai bên phải có đại diện chuyên nghiệp).

Tiếp đó, luật sư của người bán sẽ liên lạc với luật sư của người mua và cung cấp cho họ một bản sao yêu cầu của người bán. Luật sư của người mua sau đó sẽ đặt các câu hỏi về yêu cầu này và tất cả các vấn đề liên quan. Luật sư của bên mua cũng sẽ yêu cầu một danh sách các đồ đạc và phụ kiện để người mua có thể được cho biết là có những gì được bao gồm trong việc mua nhà.

Các công việc trên là một phần của trao đổi trước hợp đồng, có nghĩa là trong giai đoạn này cả người bán lẫn người mua không phải tuân thủ bất cứ cam kết nào và mỗi bên vẫn có thể rút khỏi giao dịch.

Một khi công việc này xong xuôi, các luật sư sẽ thảo luận về ngày hoàn tất hợp đồng theo yêu cầu của thân chủ của họ. Khi thống nhất được thời gian hoàn tất hợp đồng và tất cả các bên đã sẵn sàng tiếp tục, luật sư của hai bên sẽ trao đổi hợp đồng. Người mua sẽ trả trước 10% giá mua khi trao đổi hợp đồng và một khi hợp đồng được trao đổi thì có nghĩa giữa hai bên đã có sự ràng buộc.

Nếu người mua rút lại quyết định mua nhà sau khi đã trao đổi hợp đồng, họ không chỉ mất tiền đặt cọc (10%) mà còn có thể bị người bán khởi kiện vì những tổn thất có thể có thể xảy ra. Do đó, điều quan trọng là người mua không trao đổi hợp đồng cho đến khi hoàn toàn hài lòng với tài sản định mua và sẵn sàng thực hiện về mặt tài chính.

Số tiền còn lại cùng các khoản chi phí khác sẽ do luật sư thanh toán khi hoàn tất hợp đồng nên người mua cần phải chuyển tiền cho luật sư trước thời điểm hoàn tất hợp đồng.


Vào ngày hoàn tất hợp đồng, luật sư sẽ sắp xếp để thanh toán số tiền còn lại cho tài sản và sau đó đăng ký sở hữu tài sản tại Cục Đăng ký đất đai và gửi cho người mua giấy tờ chứng minh đã đăng ký. Sau đó, tài sản thuộc về chủ sở hữu mới và họ có thể sở hữu chìa khóa nhà.

Từ đây, người sở hữu mới sẽ phải đóng thuế Hội đồng cho Hội đồng địa phương. Nếu cho thuê lại ngôi nhà này, bạn sẽ bị đánh thuế đối với nguồn thu từ việc cho thuê. Khi bán ngôi nhà đó, bạn có thể bị đánh thuế lợi nhuận từ việc bán nhà trừ phi đó là nơi ở chính của bạn. Ngoài ra, bạn cũng phải mua bảo hiểm cho ngôi nhà và có thể phải trả các phí tiện ích chờ như điện, gas, điện thoại cố định và băng rộng.

Và một điều quan trọng là việc sở hữu một ngôi nhà ở Anh không đồng nghĩa với việc bạn được định cư ở Anh. Nếu không phải là công dân Liên minh châu Âu, bạn vẫn sẽ phải xin thị thực vào Anh như bình thường.


Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)
Mua nhà ở Italy với 1 euro
Mua nhà ở Italy với 1 euro

Với tỷ giá hiện nay, 1 euro (khoảng 26.000 VND) chưa đủ để mua một bát phở ngon ở Hà Nội. Nhưng đó lại là cái giá gây sốc mà những căn nhà nằm trên đỉnh đồi ở hòn đảo Sicily (Italy) được rao bán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN