Kỳ diệu ngành nông nghiệp Israel

Nằm cách Tel Aviv hơn 200 km về phía Nam, khu vực Arava đã trở thành biểu tượng cho những thành tựu về nông nghiệp của Israel, với tư cách nhà phát triển hàng đầu về công nghệ nông nghiệp trên sa mạc.

Mặc dù diện tích sa mạc chiếm tới 90%, hầu hết người dân tại vùng đất trải dài theo thung lũng giữa biển Chết và thành phố miền Nam Eilat này là những nông dân rất thành công. Với khoảng 4.000 ha đất canh tác trên sa mạc, 800 hộ dân Arava sản xuất khoảng 150.000 tấn rau quả tươi mỗi năm. Vùng đất này hiện được ví như thung lũng Silicon của ngành nông nghiệp Israel.

Chống sa mạc hóa bằng công nghệ

Hàng năm các cư dân Arava tổ chức hội chợ để giới thiệu những thành tựu công nghệ cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp được canh tác trên môi trường sa mạc của Israel, như hệ thống nhà kính, công nghệ tưới tiêu, nghiên cứu phát triển, và quản lý nguồn nước. Các yếu tố tự nhiên như đất nhiễm mặn, thiếu nước và nắng nóng thiêu đốt khiến cho việc canh tác và trồng trọt trở nên rất khó khăn, nhưng chính những điều kiện khắc nghiệt này tăng thêm sự độc đáo đối với các vụ mùa nơi đây. Bằng sức lao động và những giải pháp sáng tạo, người dân Arava đã biến vùng đất sa mạc trở thành một cộng đồng nông nghiệp thịnh vượng.

Trồng lúa trên sa mạc ở Israel.

Thành công này có được chính là nhờ sự chuyển dịch lớn từ phương thức làm nông nghiệp truyền thống sang hiện đại. Quá trình này dẫn đến sự thay đổi về mô hình canh tác, thông qua việc ứng dụng những giống cây trồng mới thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và vận dụng kỹ thuật vào thực tế để biến sa mạc thành đất sản xuất. Ví dụ, việc trồng những giống cam quýt mới tại đây đã cho sản lượng cao hơn 50 - 100% so với các nông trại miền Bắc Israel. Cây ôliu được tưới bằng nước lợ đã đạt sản lượng dầu/hécta cao hơn 6 lần so với những rừng ôliu được trồng theo phương thức truyền thống ở nơi khác.

Tăng sản lượng nhờ tiết kiệm nước

Đặc điểm đáng chú ý của nông nghiệp Israel là khả năng tăng hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp. Khoảng 90% nguồn nước sạch được nối vào mạng lưới nước duy nhất để tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách quốc gia đồng bộ về sản xuất nước và cung cấp thường xuyên cho các khu vực khác nhau. Để duy trì và bảo vệ các nguồn nước, nhiều biện pháp được thực hiện, như phân bổ hạn ngạch thay đổi theo năm, tính giá nước theo khu vực, tính giá theo thang lũy tiến, tái chế nước thải sử dụng cho nông nghiệp.

Israel đã áp dụng các kỹ thuật tiết kiệm nước, nhất là hệ thống tưới nhỏ giọt để đưa nước trực tiếp vào bộ rễ của cây, và mở rộng trồng cây trong nhà kính. Những biện pháp nói trên cho phép đảm bảo nguồn cung nước quí hiếm dùng cho canh tác trên sa mạc, trong khi tăng giá trị và sản lượng của cây trồng. Điển hình như giống cà chua tại sa mạc Negev cho độ ngọt gấp 2 - 3 lần và sản lượng cao hơn 3 - 4 lần so với nơi khác.

Nông nghiệp trên sa mạc là một trong những thành công lớn nhất của Israel. Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang vật lộn với xu hướng sa mạc hóa, diện tích sa mạc chiếm hơn 60% diện tích đất đai tại Israel đã giảm đi trong những thập niên qua nhờ việc phát triển nông nghiệp, biến cát thành những cánh đồng xanh tốt. Thậm chí nằm sâu trong sa mạc là những cánh đồng trù phú giữa các điều kiện khắc nghiệt, khô hạn và đất cát thiếu khoáng chất.

Sự phối hợp giữa các “nhà"

Thực tế sản xuất nông nghiệp của Israel tiếp tục phát triển bất chấp những hạn chế nghiêm trọng về đất và nước không hề dễ dàng mà có được từ sự hợp tác mật thiết và liên tục giữa các nhà nghiên cứu và nhà nông, cùng các ngành dịch vụ và công nghiệp liên quan tới nông nghiệp. Nghiên cứu và phát triển theo hướng ứng dụng đã được tiến hành tại quốc gia này từ rất sớm, giúp ngành nông nghiệp phát triển dựa vào khoa học và công nghệ.

Chìa khóa cho thành công này nằm ở luồng thông tin hai chiều giữa các nhà nghiên cứu và người nông dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu, các ngành công nghiệp và các cơ quan hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp và đối phó những thách thức mới đã đem lại những giống cây trồng mới và một loạt những cải tiến về tưới tiêu và bón phân, cơ giới, tự động, canh tác và thu hoạch.

Bài và ảnh: Bùi Quang Hoàn (P/v TTXVN tại Israel)
Sử dụng nước hiệu quả để ứng phó với thiên tai - Bài 1
Sử dụng nước hiệu quả để ứng phó với thiên tai - Bài 1

Tình trạng khô hạn tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đang diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng nguồn nước như thế nào cho hợp lý, phát huy hết hiệu quả cao nhất đang là vấn đề cần được người dân và ngành chức năng quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN