Khủng hoảng nợ công, thanh niên Italy ăn bám bố mẹ

Trong khi Italy đang lún sâu vào khủng hoảng nợ công, ngày càng có nhiều thanh niên nước này bị gắn cái mác “bamboccione”, có nghĩa là đứa trẻ to xác, do họ vẫn sống bám vào bố mẹ mà chưa thể tự lập được.


Nhiều thanh niên Italy không thể tìm việc trong thời khủng hoảng. Ảnh: Internet.


Lele Rognoni, giống như hàng ngàn thanh niên Italy, phải chấp nhận điều này vì không còn lựa chọn nào khác. Anh phân trần: “Tôi có nghề ổn định nhưng tiền tiết kiệm không đủ để thuê hoặc mua nhà và cũng chẳng ngân hàng nào giúp đỡ tôi cả”.


Chàng thanh niên 34 tuổi này sống cùng mẹ trong một ngôi nhà may mắn là đủ chỗ và khá hòa hợp. Tuy nhiên, anh cho biết ngày càng không thoải mái khi bị coi là bamboccione.


Chuyện của Lele không có gì lạ và hiếm gặp khi mà hiệp hội nông dân Italy Coldiretti và tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội Censis vừa công bố số liệu cho thấy, 31% người Italy sống với mẹ và 42,3% sống cách nhà bố mẹ chỉ khoảng 30 phút lái xe.


Theo báo cáo này, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra tại Italy đã biến các gia đình thành nơi cung cấp dịch vụ và phúc lợi xã hội bất đắc dĩ cho đối tượng là con cái.


Trong khi chi phí cho cuộc sống tiếp tục tăng cao trong những năm qua, lương của người dân lại chẳng mấy nhúc nhích.


Hơn nữa, hệ thống phúc lợi và lao động hiện nay không thực sự hỗ trợ thế hệ trẻ tìm việc làm ổn định. Trong khi đó, theo cơ quan thống kê quốc gia Istat, tiền tiết kiệm hộ gia đình – một trong những trụ cột truyền thống của kinh tế Italy – lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995.


Chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ mà Thủ tướng Mario Monti thực hiện để đối phó với khủng hoảng nợ công đã khiến các gia đình nghèo hơn và sức mua của họ tiếp tục suy yếu trầm trọng.


Một bamboccione khác, anh Federico Zappala, kể: “Tôi bắt đầu làm kế toán từ năm 2007 nhưng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải ở cùng bố mẹ”.


Giấc mơ tự lập của Zappala không thể thành hiện thực khi mỗi tháng anh chỉ kiếm được 1.800 euro trước thuế và khoản tiền này cứ thâm hụt dần để trang trải mọi khoản, trong đó tiền thuê nhà đã là 700 euro/tháng.


Anh nói: “Nhà mà bố mẹ vừa giúp tôi mua vẫn chưa có đồ đạc gì. Ai mà biết được khi nào tôi mới sống tự lập được. Tuy nhiên, tôi có thể xoay sở vì nhà mới rất gần chỗ bố mẹ tôi ở, chỉ cách hai điểm dừng tàu điện ngầm”.


Các nhà phân tích cho rằng xét theo khía cạnh xã hội, thanh niên, dù nam hay nữ, mà phải sống cùng bố mẹ khi đã trưởng thành là điều vừa bất tiện vừa không thoải mái. Tuy nhiên, nhiều người dường như đầu hàng số phận vì sống cùng bố mẹ được coi là giải pháp cần thiết để tiết kiệm tiền cho tương lai.


Anh Zappala tâm sự: “Tôi phải nói rằng không có người bạn nào của tôi có thể tự kiếm sống dù phần lớn đều có bằng cấp xuất sắc. Lý do là phần lớn công ty giờ chỉ thuê nhân viên trẻ với hợp đồng tập sự ngắn hạn để dễ dàng cầm cự trong thời buổi khó khăn”.


Theo báo cáo mới đây, 3,5 triệu lao động tạm thời ở Italy phải làm các công việc lương thấp, không có lương nếu nghỉ ốm hoặc đi nghỉ. Do đó, họ khó lòng mà tự lo cho cuộc sống.


Zappala nói: “Tôi ra đời khi bố tôi mới 28 tuổi. Giờ tôi đã 30 nhưng vẫn phải sống dựa vào bố. Thời đó và thời bây giờ thật khác nhau quá xa”.



Thùy Dương (theo THX)

Những 'góa phụ trắng' Italy trong cơn khủng hoảng tài chính
Những 'góa phụ trắng' Italy trong cơn khủng hoảng tài chính

Cách đây 6 tháng, Giuseppe Campaniello, một thợ nề người Italy, đã viết vài dòng tuyệt mệnh cho vợ đằng sau tờ thuế, sau đó tẩm xăng và tự thiêu bên ngoài văn phòng thuế ở Bologna. Anh chết sau đó 9 ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN