“Kén cá chọn… việc”

Người Mátxcơva rất tự hào về việc mình có hộ khẩu ở thủ đô của một đất nước có trên 141 triệu dân. Bởi vậy họ kén chọn công việc, chỉ thích làm doanh nhân hoặc ít ra cũng ngồi văn phòng hay có biên chế trong cơ quan nhà nước.

Hãng RBK.Rating cùng với hãng “Săn trí tuệ” đã lập ra danh sách những công việc mà người Mátxcơva thích và ghét. Theo đó, nghề quét sân, bán hàng và xây dựng bị dân thủ đô LB Nga xa lánh nhất.


Tờ Nedelya dựa vào kết quả xếp hạng nói trên để tìm hiểu xem liệu có đúng là “dân bản địa” đang bị “những kẻ nhập cư” chèn ép không.

Nghề bán hàng

Trước đây chỉ có người bản địa đứng sau các quầy hàng nhưng bây giờ chúng ta khó mà nhìn thấy họ. Bà Zhanna Ivanova, Giám đốc mạng lưới cửa hàng chuyên kinh doanh đồ lót nữ đắt tiền, kể: “Các cô cháu của tôi và con gái mấy người quen đều đã từng bán hàng cho tôi.


Chỉ được 1 tháng, quá lắm thì nửa năm là xin nghỉ việc. Vào đầu thập niên 1990, tôi vứt tấm bằng kỹ sư, ở lại Mátxcơva để kinh doanh thời trang, dựng lên cơ nghiệp. Tôi tự hào về công việc của mình.

Nhưng thế hệ trẻ moskvichi (người Mátxcơva) hiện nay cho rằng công việc bán hàng chẳng danh giá gì. Họ đến chỗ tôi chẳng qua là chờ thời mà thôi. Cô con gái bà bạn cùng lớp với tôi chẳng hạn. Học hành làng nhàng nhưng chịu khó, hợp với nghề bán hàng.


Nhưng cô ta đã xin vào một cơ quan nhà nước với mức lương 20.000 rúp (gần 7.000 USD) và vui vẻ lắm. Trong khi tôi từng trả cho cô ta 30.000 rúp. Hiện tôi có 8 cô bán hàng, một cô quê tỉnh Rostov, một cô người Mátxcơva, còn lại là dân ngoại ô”.

Những công việc nặng nhọc được người Mátxcơva “nhường” cho dân nhập cư. Ảnh: Internet


Nhân viên y tế

Hè năm 2010, ban giám đốc một mạng lưới bệnh viện đa khoa ở hai thị trấn ngoại ô Mátxcơva đã bị khởi tố vì nhận người không có chuyên môn và giấy phép lao động vào làm.


Các nhân viên người Tátgikixtan và Udơbêkixtan chẳng có bất cứ thứ giấy tờ nào cho thấy họ đã từng được đào tạo ngành y cả. Các bệnh viện nói trên đã bị đóng cửa. Còn các “bác sĩ không bằng cấp” chắc hẳn đã xin được việc ở những bệnh viện khác.

Cứ sau mỗi năm, số bác sĩ moskivichi làm việc tại các trạm cấp cứu ở Mátxcơva lại thưa vắng đi. Một bác sĩ cứu thương giấu tên cho biết: “Công việc nặng nhọc mà lương lại dưới mức trung bình ở thủ đô, do đó phải làm 2 – 3 ca liền. Moskvichi hầu như đã bỏ đi hết.


Chủ yếu là các bác sĩ ở vùng Trung Nga, các bác sĩ ở miền Nam cũng nhiều. Đối với họ thì đồng lương 15.000 - 20.000 rúp của chúng tôi là một khoản lớn để họ gửi về quê. Họ cố gắng chịu đựng công việc và chấp nhận mọi yêu sách của các sếp”.

Nghề thu ngân trong siêu thị

Bà Ekaterina Pankratova đảm nhận công việc gói hàng tại một đại siêu thị ở Mátxcơva. 6 năm trước, bà nghỉ hưu, cất kỹ tấm bằng kỹ sư xây dựng để xin vào đây làm thêm. Bà kể: “Trước thì người Mátxcơva còn làm việc ở chỗ chúng tôi nhưng không đông lắm. Chủ yếu nhân viên là người Nga ngoại tỉnh, có cả một số người Mônđôva. 3 năm trước, mọi việc thay đổi, người ta bắt đầu nhận dân Udơbêkixtan, Cưrơgưxtan và Tátgikixtan.

Ai dại gì mà lấy người Mátxcơva vào làm khi dân Cưrgưxtan chấp nhận đồng lương rẻ hơn tới mấy lần và chẳng dám đòi hỏi gì. Tôi nghỉ chữa bệnh một thời gian và bị cắt nửa lương. Không đồng tình thì chỉ có nước nghỉ việc.


Tôi nhận 16.000 rúp/tháng, cứ làm hai ngày lại nghỉ hai ngày. Trong khi đó dân nhập cư làm suốt tháng chẳng nghỉ ngày nào mà lương chỉ được gần 13.000 rúp, chưa kể tháng nào cũng bị phạt vài nghìn rúp. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ thậm chí chẳng nói được tiếng Nga. Khách hàng phàn nàn là khi cần thì chẳng biết hỏi ai”.

Nghề quét rác

Một số người Mátxcơva khẳng định rằng họ sẵn sàng làm việc nặng nếu được trả lương tử tế, song các ông chủ thích lợi dụng thế yếu của lao động nhập cư để hạ lương. Andrei Busygin, cán bộ quản lý của một hãng vệ sinh môi trường, cho biết: “Nhận người nhập cư quả là tiện cho chúng tôi hơn.


Cho dù lương quét rác vào khoảng 14 – 17.000 rúp/tháng thì cũng chỉ một số ít người Mátxcơva chịu làm.

Mùa đông tuyết rơi dày năm ngoái đã khiến các nhân viên người Mátxcơva nghỉ sạch. Người Cưrơgưxtan thì hùng hục xúc tuyết gần như suốt ngày đêm, chỉ cần một chút thời gian để ngủ. Trong khi đó các nhân viên quét dọn người Mátxcơva thì bỏ việc hàng loạt.


Nói chung chúng tôi cố tránh nhận người Mátxcơva và người Nga vào làm, không phải vì dân Cưrơgưxtan chẳng biết uống rượu. Lý do là dân Trung Á không bao giờ nghỉ việc mà không báo trước, khác với các nhân viên Nga.

Trần Quang Vinh (theo Nedelya)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN