Hong Kong không có chỗ cho xe đạp

Trên những con phố đông đúc xe cộ ở Hong Kong (Hồng Công, Trung Quốc), tiếng còi om sòm phát ra từ những chiếc taxi sơn đỏ, từ xe buýt hai tầng, từ xe ô tô cá nhân… Xe đạp trên đường phố ở Hong Kong là của hiếm.


Một chiếc xe đạp hiếm hoi xuất hiện trên đường phố Hong Kong. Ảnh: AFP/TTXVN


 

Trong khi các thành phố trên thế giới coi đạp xe là một cách đi lại thân thiện với môi trường, rẻ tiền mà lại tốt cho sức khỏe thì Hong Kong lại một mình một kiểu. Chính quyền Hong Kong coi đạp xe là một hoạt động chỉ mang tính chất giải trí, thư giãn, không phải là một loại hình giao thông, đồng thời không khuyến khích người dân đi bằng xe đạp trong khu vực thành phố đông đúc vì dễ xảy ra tai nạn.


Ông Martin Turner, Chủ tịch Liên minh đạp xe Hong Kong, cho rằng đã đến lúc thành phố phải thay đổi. Ông nói: "Hong Kong cần xe đạp. Chúng ta phải đối mặt với tắc đường, chất lượng không khí thấp, sức khỏe có vấn đề. Đạp xe là giải pháp cho tất cả những điều này".


Tuy nhiên, ông Martin cho hay chính quyền dường như bất động một cách quan liêu về vấn đề này. Trong khi Hong Kong có kế hoạch khuyến khích người dân đi xe buýt và tàu nhưng chưa bao giờ thực sự xem xét xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho xe đạp.


Phần lớn người đi xe đạp trên đường phố Hong Kong là những người dùng xe đạp như một phương tiện thay thế tạm thời. Họ chở mọi thứ từ bình ga đến cá sống trên các sọt cột qua loa phía trước vào sau xe.


Ông David Byrne, một nhà hoạt động trong lĩnh vực đạp xe người Scotland, miều tả Hong Kong là thành phố tồi tệ nhất cho người đi xe đạp mà ông từng đến trên thế giới.


Số người đi xe đạp tử vong ở Hong Kong tăng từ 10 năm 2010 lên 19 người năm 2011, trong khi số tai nạn liên quan đến xe đạp tăng từ 1.914 đến 2.348.


Xe đạp lép vế

Giống như nhiều người Hong Kong, anh Will Soo không được tập xe đạp khi còn bé. Nhưng sau khi học đi xe đạp cách đây vài năm, anh đã rong ruổi xe trên đường phố. Trong văn phòng của anh có tới 2.000 người nhưng chỉ có 3 người đạp xe đi làm.


Tuy nhiên, các lái xe ô tô không quen đi chung đường với người đi xe đạp. Anh Soo nói: “Họ luôn nghĩ rằng ‘Tôi là vua trên đường và những người đi xe đạp phải đi vào làn đường dành cho xe đạp’”.


Ngay cả những người đi xe đạp cũng không nắm được quy tắc an toàn như dừng xe để ô tô đi rẽ phải. Anh Sean Godley làm việc tại một cửa hàng bán xe đạp ở Hong Kong cho rằng Hong Kong nên có chương trình dạy thanh niên về luật đi xe đạp. Nhưng bản thân anh cũng thừa nhận rằng Hong Kong thiếu không gian để làm điều này.


Vấn đề ô nhiễm cũng khiến nhiều người Hong Kong ngại đi xe đạp. Anh Patrick Fung, giám đốc chiến dịch của Mạng lưới không khí sạch, cho biết mạng lưới của anh ngần ngại trong khuyến khích người dân đạp xe. Anh giải thích: “Chúng tôi phải thực tế. Hong Kong không có nhiều người đi xe đạp vì ô nhiễm và đường phố không thực sự phù hợp với việc đạp xe đi làm hàng ngày”.


Những người muốn đi xe đạp cũng có thể nhụt chí vì Hong Kong không có chỗ gửi xe đạp cả ở nơi công cộng và công sở. Hơn nữa, hệ thống giao thông công cộng ở Hong Kong cũng đã quá tiện lợi rồi.


Bộ Giao thông Hong Kong cho hay, số người đạp xe chỉ chiếm một số lượng vô cùng nhỏ, trong khi Hong Kong chỉ có khoảng 200 km đường dành cho xe đạp ở ven thành phố dành cho người dân đi dã ngoại hoặc tham gia các hoạt động giải trí.


Một đại diện bộ này nói: “Do giao thông đường bộ nói chung ở Hong Kong rất đông đúc và đường bộ lại hạn chế nên Bộ Giao thông không khuyến khích dùng xe đạp làm một phương tiện giao thông trong đô thị vì lý do an toàn đường bộ”.


Tuy nhiên, ông Turner, Chủ tịch Liên minh đạp xe Hong Kong, cho rằng Hong Kong không nên nghĩ mình là trường hợp đặc biệt, vì rất nhiều thành phố khác trên thế giới vẫn ưu tiên xe đạp bất chấp áp lực giao thông, ô nhiễm không khí… Ông nói: “Đó là vấn đề chính sách, phối hợp, quy hoạch và nhận thức. Hong Kong thiếu nhận thức về ý nghĩa của việc đạp xe và tác dụng của nó. Cả thế giới đang thúc đẩy xe đạp và làm cho các thành phố thân thiện với người đi xe đạp hơn. Chúng ta cũng có thể làm điều đó”.


Ông Turner dẫn phóng viên AFP đi xe đạp vào tòa nhà hội đồng lập pháp, nơi có khu vực để xe đạp mới xây nhưng chẳng thấy bóng dáng chiếc xe đạp nào. Một lúc sao, có hai nhân viên an ninh đến chỗ Turner, rõ ràng là vì lo ngại khi tự nhiên thấy xe đạp xuất hiện. Ông Turner nói: “Người đi xe đạp luôn bị ngờ vực ở Hong Kong. Họ cho rằng người đi xe đạp là người vô trách nhiệm”.



Thùy Dương (theo AFP)

Xe đạp - Giải pháp giảm khí thải hữu hiệu
Xe đạp - Giải pháp giảm khí thải hữu hiệu

Bất chấp việc lượng khí thải cácbon trên toàn cầu đã chạm mức kỷ lục 30,6 gigatonne (Gt) trong năm 2010, tại Diễn đàn Giao thông Quốc tế (ITF) 2011, các nhà lãnh đạo châu Á cho biết, các công dân của họ vẫn muốn mua thêm xe hơi...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN