Khói mù bao phủ thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Đó là kết quả nghiên cứu của Dự án gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) được công bố ngày 13/2 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS).
Các nhà máy năng lượng, sản xuất công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông, hoạt động đốt than đá, gỗ… sinh ra các hạt nhỏ trong không khí rất nguy hiểm với sức khỏe con người.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng bất chấp các nỗ lực hạn chế khí thải trong tương lai, số lượng các ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục gia tăng nếu các nước không đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải gây ô nhiễm gắt gao hơn nữa. Giáo sư Michael Brauer tại Đại học British Columbia, Canada, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Ô nhiễm không khí là nguy cơ gây tử vong cao thứ 4 trên toàn cầu và là yếu tố môi trường gây bệnh hàng đầu. Giảm khí ô nhiễm là cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe người dân”.
Tại cuộc họp của AAAS, các nhà khoa học Canada, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã tập hợp các ước tính về mức ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người. Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy hai nước này chiếm tới 55% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn thế giới. Năm 2013, Trung Quốc có 1,6 triệu người tử vong vì ô nhiễm, trong khi con số này ở Ấn Độ là 1,4 triệu người.
Tại Trung Quốc, các hoạt động đốt than đá là thủ phạm hàng đầu gây ô nhiễm không khí, dẫn tới 366.000 trường hợp tử vong trong năm 2013. Trong khi đó, tại Ấn Độ, thói quen đốt củi, phân bón và các nguyên liệu khác để nấu ăn và sưởi ấm trong sinh hoạt hàng ngày đang khiến người dân nước này thường xuyên hít phải các hạt bụi nhỏ nguy hại cho sức khỏe ở nồng độ cao.
“Tại Bắc Kinh hoặc New Delhi trong một ngày không khí ô nhiễm nặng, số lượng các hạt bụi nhỏ có kích thước 2,5 micromet (PM2.5) ở mức hơn 300 microgram/m3”, nhà nghiên cứu Dan Greenbaum thuộc Học viện các tác động sức khỏe, Boston, Mỹ, nói. Trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ là 25 microgram/m3.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng hít thở không khí ô nhiễm có thể tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ, các vấn đề đường hô hấp và thậm chí là ung thư. Và trong khi các quốc gia phát triển đã tạo ra các bước tiến bộ đáng kể giải quyết tình trạng ô nhiễm vài thập kỷ vừa qua, số lượng công dân tử vong do những nguyên nhân liên quan tới chất lượng không khí kém ở các nước đang phát triển vẫn đang gia tăng. Đánh giá về thực trạng này, Giáo sư Michael Brauer nói: “Ở Mỹ, chúng tôi biết rằng mỗi đô la dành để cải thiện không khí ô nhiễm, chúng tôi có thể lấy lại 4-30USD nếu xét về lợi ích sức khỏe”.
Theo nghiên cứu mới này, không khí ô nhiễm còn gây tử vong nhiều hơn các yếu tố nguy cơ khác như thiếu dinh dưỡng, béo phì, nghiện rượu và chất kích thích,... Dự án GBD xếp ô nhiễm không khí vào một trong những nguy cơ gây tử vong lớn nhất sau huyết áp cao, nguy cơ sức khỏe từ rối loạn dinh dưỡng và hút thuốc.